1. Dưa hấu 1.000 đồng
Là nông sản được nhiều người tiêu dùng chọn lựa để chưng trong mâm ngũ quả nên thông thường cứ mỗi dịp Tết đến, loại trái cây này khá hút khách và giá tăng cao. Thế nhưng năm nay, giá dưa hấu rớt thảm do thương lái hạn chế thu gom khiến nhiều vùng trồng dưa như Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Tháp… đang lâm vào cảnh khó khăn.
Anh Trần Quang Minh, khu phố 9, thị trấn Võ Xu (Bình Thuận) cho biết, mọi năm thương lái vào tận rẫy đặt cọc mua dưa, nhưng năm nay đến ngày thu hoạch lại không thấy ai hỏi han. Anh buộc phải thuê xe chở dưa từ trong rẫy ra đường Quốc lộ đổ đống, chờ người đến hỏi mua.
“Nhà tôi trồng một hecta, thu hoạch hơn 30 tấn. Dưa đổ đống như thế này đã nhiều ngày. Bây giờ thương lái không mua, chỉ bán cho những người buôn nhỏ được vài trăm ký, giá từ 1.000-1.200 đồng một kg”, anh Minh cho biết.
Tại Kon Tum, anh Thắng, sở hữu gần một ha dưa hấu cũng đứng ngồi không yên khi “năm lần bảy lượt” gọi điện cho thương lái xuống xem vườn, nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời hứa hẹn chứ chưa xác định ngày xem. Nhiều hộ khác thì cũng chỉ bán với giá 1.000-1.500 đồng một kg.
Theo người trồng dưa ở địa phương, một hecta dưa hấu có chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, cho sản lượng trung bình hơn 30 tấn. Thời điểm hiện tại, dưa to đẹp loại trên 3kg có giá 1.500-1.600 đồng một kg, loại trung bình giá trên dưới 1.000 đồng. Với mức giá này, nông dân bị lỗ mất hơn 60 triệu đồng một ha. Nhiều người đi thuê đất trồng dưa còn lỗ nặng hơn vì phải mất thêm tiền thuê đất 20 triệu đồng mỗi ha.
Nguyên nhân dưa hấu mất giá là do không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong khi đó, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ với một số lượng rất nhỏ.
2. Quýt hồng Lai Vung bị ép giá
Là một trong những nông sản nổi tiếng của Đồng Tháp hàng năm được thương lái săn lùng thua mua ngay cả những trái nứt, rụng sớm nhưng năm nay nhà vườn trồng trái cây này cũng phải chịu cảnh thua lỗ khi thương lái ngưng mua và ép giá.
Ông Tư Ràng, người có hơn 3.000 m2 quýt hồng than thở do thời tiết kém thuận lợi, mưa gió thất thường, sản lượng quýt tại vườn giảm 30% so với mọi năm và chỉ đạt khoảng 13-14 tấn.
“Cứ ngỡ cả huyện mất mùa quýt thì giá bán vào dịp Tết sẽ cao giúp nhà vườn kéo lại vốn đầu tư nhưng tới nay, dù quýt đã chín nhưng không hề thấy thương lái thu mua. Với tình hình này, vụ quýt năm nay coi như là mất trắng. Riêng khu vườn nhà tôi lỗ có thể lên tới 300 triệu đồng”, ông Tư Ràng bộc bạch và cho biết, nếu năm ngoái, đến đầu giữa tháng 11 là thương lái đi thu gom cả những trái quýt nứt, rụng sớm thì năm nay tới 23 tháng chạp, họ vẫn “án binh bất động”. Một số thương lái nhỏ lẻ đi tới vài nhà vườn thu gom thì ép giá chỉ của nông dân chỉ còn 15.000-16.000 đồng một kg. Cùng kỳ năm ngoái, họ ồ ạt thu gom không kể xấu đẹp với giá 25.000-27.000 đồng một kg.
Cũng gặp khó như ông Ràng, gia đình ông Năm ở cùng huyện cũng trồng khoảng 2.000m2 nhưng nay vẫn chưa bán được trái nào. Vợ ông phải cắt ra chợ bán nhưng cũng chỉ được vài chục kg mỗi ngày.
Trao đổi với VnExpress, ông Lưu Văn Tín – Giám đốc hợp tác xã quýt hồng Lai Vung xác nhận, trái cây này đang dội chợ. Đầu vụ trái cây này có giá 25.000-27.000 đồng thì giờ chỉ 18.000 đồng một kg mà rất ít thương lái thu gom.
Nếu năm ngoái cứ 1.000m2, nông dân thu được 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì cũng lãi khoảng vài chục đến 100 triệu. Riêng năm nay, thương lái ép giá lại mất mùa nên nhiều hộ tiết giảm chi phí đầu tư thì hòa vốn, còn lại đa phần là lỗ. Hiện, toàn huyện có 800ha quýt hồng nhưng tới nay lượng tiêu thụ còn rất thấp.
3. Lay ơn nhổ cho bò ăn
Chưa tới Tết nhưng lay ơn đã nở sớm nửa tháng nay khiến người dân tại xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) thiệt hại nặng nề do giá xuống thấp.
Ông Phan Trọng Hiền, Chủ tịch Hội nông dân xã Hiệp An, cho biết hiện tại đã có khoảng 50% diện tích hoa lay ơn vụ Tết nở sớm do thời tiết nắng kéo dài, giá hiện tại dao động từ 2.000 đến 6.000 đồng cho 10 cành, thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm mọi năm. Với vốn đầu tư trung bình khoảng 20 triệu đồng mỗi 1.000m2, khả năng thu hồi đủ vốn của người trồng là không cao.
Nhiều hộ nông dân ở đây cho biết, tình trạng hoa nở rộ không đúng dịp Tết đã từng xảy ra, nhưng chưa năm nào nông dân tại Hiệp An lại chịu thiệt hại như năm nay. Trong khi nhiều nhà vườn hoa nở rực không bán được đành tìm người tới nhổ về làm thức ăn cho bò sữa, thì có nhà đánh liều thuê xe đông lạnh về ướp hoa, chờ đến cận Tết mới tung ra thị trường.
4. Hoa ly Tây Tựu lỗ nặng
Là loại hoa khá đắt khách vào mỗi dịp Tết và mang lại lợi nhuận tốt cho nông dân ở vùng hoa Tây Tựu. Thế nhưng, với vụ mùa năm nay thay vì chăm bón đợi thu hoạch cho đợt Rằm tháng Chạp và cận Tết, nhiều hộ trồng hoa tại phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã phải vội vã cắt hoa sớm và bán với giá rẻ.
Có gần 6 sào chỉ chuyên trồng ly vàng và đỏ, từ tháng 9 năm ngoái, anh Luyến (tổ dân phố Thượng) đầu tư khoảng 400 triệu đồng mua giống nhập từ Hà Lan với giá 20.000 đồng một củ với kế hoạch sẽ tiêu thụ cho dịp Tết này. Không ngờ thời tiết thay đổi, hoa tăng trưởng nở sớm hơn dự kiến 2 tuần.
Thời tiết nồm nóng kéo dài khiến hoa nở gần hết, nhiều hộ trồng phải cắt bán vội. Hoa có đẹp cũng chỉ 90.000 đồng một bó, loại 2 thì chỉ 30.000-40.000 đồng.
Chỉ với hơn 3 sào hoa, nhưng tính nhẩm với giá thị trường hiện nay, gia đình chị Đinh Vân (tổ dân phố Đăm) lỗ khoảng hơn 200 triệu đồng bởi tiền bán hoa không đủ bù chi phí và vốn đầu tư ban đầu.
Ngoài các hộ trên, những người đầu tư với số lượng lớn còn mất cả tỷ đồng với vụ ly năm nay. Để khắc phục tình trạng ly nở sớm, nhiều hộ trồng phải thu hoạch sớm khi nụ vẫn còn xanh để đưa về kho lạnh. Song, theo các chủ vườn, cả phường chỉ có một số kho trữ, diện tích nhỏ nên không đủ chứa hết hàng triệu bông của cả vùng trồng. Do đó, các hộ chỉ ưu tiên cho giống ly mới đắt tiền để cắt sớm.
Thi Hà