Trung tâm thương mại ngày càng ế ẩm

10h sáng Chủ nhật tại Union Square (Lê Thánh Tôn – quận 1), thông thường đây là thời điểm đông khách đến trung tâm thương mại sang trọng bậc nhất này ở TP HCM mua sắm, nhưng hôm nay lại khá vắng vẻ. Số lượng khách ít ỏi vào trung tâm hầu như không ghé các cửa hàng bán đồ xa xỉ, chỉ vài chỗ treo bảng giảm giá 50% là được chú ý. Đến tầm trưa, sau khi đã ngắm hàng… mỏi chân, tầng hầm phục vụ ăn uống trở thành nơi đông vui nhất thu hút phần lớn khách hàng.

Không đẳng cấp như Union Square, nhưng tại trung Hùng Vương Plaza, chị Hoa, tiểu thương bán mỹ phẩm cho hay, bắt đầu từ năm 2013 trở lại đây khách hàng không còn mặn mà với trung tâm thương mại này. Nếu trước đây, shop của chị mỗi ngày có khoảng vài chục khách ghé, thì nay lác đác chỉ vài người. “Thậm chí, có ngày tôi không bán nổi một hũ kem”, chị Hoa nói. Tuy nhiên, vì đã gắn bó ở đây lâu dài, tiểu thương này vẫn cố gắng duy trì, đồng thời trông chờ vào khoản kinh doanh ở một vài chợ khác để có vốn duy trì hoạt động.

Còn chị Trang, tiểu thương ở An Đông Plaza cũng cho biết, lượng khách đến mua hàng sỉ ở đây giảm mạnh so với trước, chỉ lấy hàng cầm chừng, trong khi đó, giá mặt bằng tại đây lại tăng cao. Do vậy, thời gian tới có thể chị sẽ chuyển sang trung tâm khác có giá hợp lý hơn.

parkson-3895-1420535081.jpg

Parkson tạm thời đóng cửa ở Hà Nội một phần là do kinh doanh thua lỗ. Ảnh: N.M.

“Hiện nay các trung tâm thương mại khác mọc lên nhiều, chẳng hạn như Hùng Vương Square nằm khá gần An Đông Plaza, nên nếu chủ đầu tư tại đây vẫn không có động thái hỗ trợ tiểu thương thì tôi có thể sẽ chuyển qua trung tâm mới này có giá thuê chỉ phải trả theo tháng sẽ giúp người kinh doanh đỡ chật vật hơn”, chị Trang nói.

Không chỉ Hùng Vương Plaza, An Đông Plaza, các trung tâm thương mại khác như Thuận Kiều Plaza, Parkson, Diamond Plaza, Icon 68 ở Bitexco…, kinh doanh đều không mấy thuận lợi. Đa phần các trung tâm này phải liên tục giảm giá, tung ra chương trình khuyến mại. Nhiều đơn vị kinh doanh vốn chuyên về hàng xa xỉ, đã buộc phải thay đổi xu hướng chuyển sang bán hàng ở cấp trung và bình dân để có thêm khách.

Chị Lan, một tiểu thương kinh doanh quần áo trẻ em ở Parkson Lê Thánh Tôn cho hay, thay vì bán quần áo trẻ em cao cấp với giá tiền triệu mỗi sản phẩm, thì nay chỉ cung cấp sản phẩm ở tầm 200.000-500.000 đồng. Tuy nhiên, lượng khách quá ít nên nhiều khi chị vẫn phải bù lỗ.

Còn tại Hà Nội, dù số lượng trung tâm thương mại không dồi dào như TP HCM, vẫn không tránh khỏi khó khăn. Việc Parkson Landmarks vừa đột ngột tạm  ngưng hoạt động, một phần cũng do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Trong thông báo của Parkson Việt Nam gửi tới các tiểu thương đang kinh doanh tại tòa nhà này cũng đã xác nhận “hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra”.

Chung tình cảnh lao đao, Tràng Tiền Plaza – trung tâm thương mại được kỳ vọng mang lại diện mạo mới khi ra mắt vào năm 2013, nhưng sau hơn một năm kinh doanh kém hiệu quả, đơn vị này đã đóng cửa 4 tháng để tái cấu trúc. Hiện nay, Tràng Tiền Plaza đã kinh doanh trở lại, nhưng cùng với những nhãn hàng xa xỉ, khách hàng đã nhận thấy sự xuất hiện của khá nhiều sản phẩm bình dân, có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Đánh giá về các trung tâm thương mại Việt Nam nói riêng và thị trường bán lẻ nói chung, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam nhận định, hiện nay việc kinh doanh trung tâm thương mại khá ảm đảm, do đó nhiều nhà bán lẻ đã hướng đến phân khúc thấp, chọn nhóm khách hàng thuộc số đông, có khả năng chi trả vừa phải. Một số trung tâm thương mại còn chọn đặt tại khu vực rìa trung tâm nên giá thuê cũng rẻ hơn, vừa với khả năng chi trả của nhiều người.

Do vậy, đã đến lúc nhà bán lẻ phải quan tâm đến khả năng chi trả thực tế của người tiêu dùng qua từng thời kỳ khác nhau. Đây chính là chìa khóa để tồn tại vì nhiều người sẵn sàng chi trả cho mức giá rẻ hơn cho một sản phẩm và các trung tâm thương mại cũng dần đi theo xu hướng này để thích nghi với hoàn cảnh. “Năm 2015 các trung tâm bán lẻ hoạt động kém có thể bị đóng cửa”, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam dự báo.

Riêng về hiện tượng Parkson, ông Marc Townsend cho rằng tập đoàn này đang có động thái tái cơ cấu các trung tâm thương mại hoạt động không hiệu quả. Trước đó, khi mới vào Việt Nam, nhà bán lẻ này đã đầu tư rất quy mô tại Việt Nam nhưng đang vấp phải một vấn đề cốt lõi, đó là khả năng chi trả của người tiêu dùng. Parkson hướng đến đối tượng cao cấp, và có thể đây chính là vấn để mà họ gặp phải khó khăn.

Trao đổi với VnExpress hồi quý IV/2014 về việc thị trường bán lẻ Việt Nam có thừa cung hay không, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield Châu Á Thái Bình Dương, ông James Hawkey cho rằng, việc cung cầu không tương thích là chuyện không quá bất thường ở bất kỳ thị trường nào. Không phải tất cả mọi trung tâm thương mại đều vận hành tốt, tuy nhiên hiện tại quá sớm để nói rằng đang thừa cung.

Ông James Hawkey phân tích, nếu vài chục trung tâm thương mại đang có tình trạng trên thì sẽ phải xem lại, nhưng nếu chỉ có một vài nơi thì không cần phải quá lo lắng, bởi họ sẽ tự phải điều chỉnh để tình hình tốt lên. Tuy nói như vậy, nhưng các chủ đầu tư cũng cần phải xem lại thật kỹ chiến lược kinh doanh của mình, liệu khu vực đó có cần phải có khối đế bán lẻ hay không. Nếu cần phải có thì quy mô như thế nào. Thói quen mua sắm và khả năng chi trả của dân cư quanh vùng liệu có phù hợp?

“Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn để đầu tư vì là quốc gia có số lượng tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất thế giới. Do đó, cũng có nhiều nhà đầu tư vì quá nôn nóng nên có những tính toán, chiến lược chưa hiệu quả dẫn đến việc kinh doanh không tốt như mong muốn”, ông James Hawkey phân tích và nhấn mạnh thêm, cũng có thể do tại một khu vực mà có sự hiện diện của nhiều trung tâm thương mại thì vắng khách cũng là điều dễ hiểu.

Thống kê của CBRE, trong quý IV/2014, TP HCM không có trung tâm thương mại nào được đưa vào thị trường. Cả năm 2014, nguồn cung mới mặt bằng bán lẻ chỉ có dự án Aeon Mall Tân Phú (Nhật Bản). Thị trường mặt bằng bán lẻ TP HCM quý vừa qua chỉ dao động nhẹ về giá, biên độ 0,1%. Mặt bằng trống tiếp tục giảm, tỷ lệ trống hiện nay còn 8%. Tổng diện tích sàn bán lẻ hiện nay của TP HCM trên 100.000m2.

Dự kiến năm 2015 TP HCM sẽ chào đón thêm các mặt bằng bán lẻ: Vincom Thủ Đức, SC Vivocity, Saigon Square 3, Aeon Citimart, Grand Saigon Hotel. Riêng GB An Đông (hay còn gọi là An Đông 3) và Hùng Vương Square cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tại các trung tâm này diện tích sàn vẫn chưa được lấp đầy mặc dù giá thuê khá ưu đãi.

Thi Hà-Vũ Lê

0913.756.339