‘Thủ phủ resort’ đang mất khách

Những ngày cuối tháng 10, tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu nối liền khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, nơi tập trung nhiều nhất các resort, khách sạn, cửa hàng, quán ăn… yên ắng khác thường. Hầu như chỉ 2 ngày cuối tuần, lượng khách mới đông hơn, chủ yếu là khách Việt. Trong khi đó, thông thường vào thời gian này, khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là khách Nga đã bắt đầu đổ bộ, nhưng nay cũng rất lác đác.

Chia sẻ với VnExpress.net, giám đốc một resort 4 sao ở Mũi Né cho rằng, lý do lớn nhất là khách du lịch đang dịch chuyển sang 2 địa điểm mới Nha Trang và Phú Quốc.

Ông kể, năm 2011 nhiều doanh nghiệp ở Nha Trang vẫn còn phải vào Bình Thuận để học tập mô hình kinh doanh khu nghỉ dưỡng. Nhưng hơn một năm trở lại đây, trong khi Mũi Né không có nhiều thay đổi thì Nha Trang đã trội hơn hẳn về dịch vụ lưu trú và vui chơi.

romana-8833-1414566832.jpg

Mũi Né đang mất dần khách nước ngoài do sức hút từ Nha Trang và Phú Quốc.

Đặc biệt, sau khi sân bay quốc tế Cam Ranh và Phú Quốc đi vào hoạt động, khách quốc tế lập tức chuyển hướng vào đây. Nhất là với thị trường khách Nga, các chuyến bay charter flight (thuê nguyên chuyến) đã đưa khách Nga thẳng đến Nha Trang hoặc Phú Quốc thay vì Phan Thiết. “Sau hơn 10 tiếng bay thẳng, chỉ cần thêm vài chục phút đã có thể nghỉ ngơi ở các khu resort thay vì mất thêm 5 giờ di chuyển từ TP HCM đến Mũi Né bằng đường bộ”, ông nói.

Vị giám đốc này cho biết thêm, trước đây khách nước ngoài, đặc biệt là người Nga rất thích đến Mũi Né để tránh mùa đông, nhưng từ 2 năm trở lại đây lượng khách  giảm mạnh, ngay cả trong mùa cao điểm (từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch) cũng giảm 15-20%. Do đó, các chủ đầu tư khu nghỉ mát luôn phải tìm mọi cách giảm giá để kéo lại khách, đón nhiều khách đoàn để bù vào, nhưng doanh số vẫn không tăng, thậm chí còn thấp hơn trước.

Ông tính toán, trước đây một khu resort chỉ cần bán một phòng bungalow trong một tháng là đủ trả lương cơ bản cho toàn bộ nhân viên, nay thì phải bán 2-3 phòng. Cụ thể, cách đây 4-5 năm, phòng bungalow có giá 300 USD (gần 6 triệu đồng) một ngày, nhưng nay giá còn 1,8-2 triệu đồng, có lúc chỉ bán 65 USD (1,3 triệu đồng). Không những thế, các resort ở đây còn đang phải chịu áp lực khá lớn khi ngày càng xuất hiện nhiều resort loại nhỏ chỉ bán 800.000-900.000 đồng một phòng.

Không kinh doanh khu nghỉ mát, nhưng bà Lan chủ một cửa hàng tiện lợi trên đường Nguyễn Đình Chiểu cũng cho biết doanh thu cửa hàng giảm gần một nửa do khách nước ngoài ít đi. “Trước đây 90% là khách tây, bây giờ còn chưa tới 50%. Chính vì thế thay vì 5 người trông coi, nay tôi chỉ còn giữ lại 2 nhân viên”, bà chủ cửa hàng nói.

nha-trang.jpg

Với lợi thế về giao thông và dịch vụ, Nha Trang đang là điểm đến hấp dẫn khách du lịch quốc tế. Ảnh: CC.

Trao đổi với VnExpress.net, bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Công ty du lịch Ánh Dương, cũng cho biết, số lượng khách nước ngoài của công ty bà đến Nha Trang đã vươn lên dẫn đầu, vượt cả Mũi Né. Riêng Phú Quốc đang ngày càng thuận lợi hơn về đường biển cũng như đường hàng không cũng vươn lên trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Do vậy, 2 địa phương này đang ngày càng “đe dọa” đến lượng khách tới Bình Thuận. 

Hiện Công ty Ánh Dương đang đẩy mạnh dịch vụ charter flight. Trong chiều 28/10, chiếc máy bay Boeing 777-600 của hãng hàng không Nordwind Airlines đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, mang theo 287 du khách Nga. Đây là chuyến bay do Ánh Dương thuê nguyên chuyến đưa khách Nga đến TP HCM du lịch. 186 khách của chuyến bay sẽ tiếp tục nối chuyến đến Phú Quốc, còn 101 khách di chuyển đến Phan Thiết để nghỉ ngơi du lịch một tuần.

Bà Phong Thu cho biết, theo kế hoạch từ nay đến 30/4/2015, mỗi tuần Ánh Dương sẽ đưa một chuyến bay thẳng chở du khách Nga từ các TP Ekaterinburg, Moscow, Irkusk, Krasnoyarsk đến TP HCM sau đó chuyển tiếp đến điểm du lịch biển.

Lý giải lượng khách quốc tế đến Mũi Né giảm, ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Bình Thuận cho rằng, trước đây chỉ có một điểm đến là Mũi Né, còn hiện nay có thêm nhiều điểm đến khác nên đối tác chuyển khách, đặc biệt là khách Nga sang những điểm mới. Theo ông, để giải quyết việc các hãng lữ hành chuyển địa điểm đưa khách Nga đến các nơi khác, địa phương cũng đang tìm đối tác lớn khác chuyên về khách Nga để kéo khách về địa bàn này.

Đánh giá về du lịch Bình Thuận, Tổng cục du lịch Việt Nam nhận xét các loại hình du lịch của tỉnh chưa phong phú, đa dạng. Còn thiếu điểm vui chơi, giải trí và mua sắm hàng lưu niệm, kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là giao thông đối ngoại còn yếu kém và chưa đồng bộ… Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hút du khách và doanh thu du lịch ở đây tăng chậm, còn nhiều dự án chưa đưa vào hoạt động. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có 1,83 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng 9%; doanh thu du lịch đạt 3.185 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lượng khách quốc tế đang có chiều hướng sụt giảm.

Trong khi đó, tại Nha Trang, mặc dù số lượng khách không cao bằng Bình Thuận nhưng mức độ tăng trưởng qua các năm lớn. Toàn tỉnh đã đón hơn 1,65 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 411.000 lượt, tăng gần 33%. Riêng số lượng du khách Nga tới đây tiếp tục tăng trưởng mạnh, hết tháng 5 đã có hơn 91.000 lượt, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn tại Phú Quốc, 6 tháng đầu năm 2014, “Đảo ngọc” này đón khoảng 268.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, đạt 53,6% kế hoạch, tăng 26% so cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 72.620 lượt người, tăng 34,8%. Tổng doanh thu từ du lịch hơn 1.014 tỷ đồng, đạt 50,7% kế hoạch, tăng 52,4% so cùng kỳ.

Hồng Châu

0913.756.339