Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán: ‘Doanh nghiệp dính tin đồn phải lên tiếng’

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang lao dốc mạnh. Chốt phiên giao dịch ngày 22/1, VN-Index giảm xuống 522 điểm, mất 57 điểm so với đầu năm 2016. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015. Lượng vốn hóa trên thị trường “bốc hơi” mạnh. Riêng sàn Hose đã mất hơn 110.000 tỷ đồng. Nhiều phiên chứng khoán Việt Nam rơi điểm theo chiều thẳng đứng, một số mã bị bán tháo mạnh do những tin đồn thất thiệt trên thị trường.

Xung quanh vấn đề minh bạch thị trường, VnExpress đã trao đổi với Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhằm cung cấp thông tin chính thức cho nhà đầu tư.

-Thưa ông, thị trường chứng khoán Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá vẫn hấp dẫn. Vậy tại sao thị trường lại sụt giảm mạnh như vậy trong những ngày đầu năm 2016?

-Diễn biến của thị trường chứng khoán và kinh tế Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của thị trường toàn cầu. Thị trường chứng khoán của Mỹ, Pháp, Nhật và các nước trong khu vực đều chịu ảnh hưởng lớn và Việt Nam cũng không nằm ngoài diễn biến này. Tuy nhiên, bên cạnh tác động đó, tâm lý nhà đầu tư bất ổn dẫn đến phản ứng hơi thái quá.

chu-tich-uy-ban-chung-khoan-doanh-nghiep-dinh-tin-don-phai-len-tieng

Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho rằng ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư đến thị trường là hơi cao.

Ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư tới thị trường là hơi cao trong một số phiên giao dịch dẫn đến sụt giảm mạnh. Thêm vào đó, một số phân tích, bình luận của công ty chứng khoán chưa chuẩn, chưa thực sự khách quan. Chúng tôi đã giám sát và yêu cầu các công ty chấn chỉnh ngay.

Trước đó, vào tháng 8/2015, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, nhân dân tệ mất giá hay giá dầu đi xuống đã tác động đến tâm lý của nhà đầu tư  khiến thị trường không ngừng rơi và sụt giảm mất khoảng 15%. Sau đó, khi tâm lý của nhà đầu tư ổn định lại, mức ảnh hưởng thực tế chỉ khoảng 2%. Ủy ban Chứng khoán đánh giá, mối liên thông của thị trường chứng khoán Việt Nam với chứng khoán Trung Quốc là rất hạn chế.

-Thế nhưng tin đồn vẫn nhấn chìm thị trường, tính đến 22/1 VN-Index đã mất 57 điểm so với đầu năm 2016. Một số mã cổ phiếu bị bán tháo, thị giá sụt giảm, nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng, trong khi phía doanh nghiệp vẫn giữ im lặng khiến tâm lí nhà đầu tư hoảng loạn hơn. Ông nhận định như thế nào?

-Các thông tin, tin đồn dẫn đến việc bán tháo trong thời gian qua hoàn toàn không đúng sự thật. Năm 2016, UBCK đã tăng cường công tác giám sát hoạt động mua bán trên thị trường để xử lý kịp thời những hành động lợi dụng thông tin để thao túng giá.

Về phản ứng của doanh nghiệp khi có tin đồn, thường chúng tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải công bố thông tin để trấn an và tránh làm thiệt hại đến túi tiền  của nhà đầu tư.

Về phía nhà đầu tư cũng cần vững tâm lý, phối hợp với các công ty chứng khoán, công ty niêm yết trong việc bình ổn thị trường. Đặc biệt, nhà đầu tư phải nghe những thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý thay vì cứ mua bán theo tin đồn.

-Vậy trong lúc này, niềm tin của nhà đầu tư nên đặt vào đâu?

-Tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại của nước ta vẫn đang ổn định, đây không chỉ là đánh giá của UBCK mà còn từ các tổ chức tài chính lớn trên thế giới. GDP được dự báo tăng trưởng cao, các chỉ số về lạm phát, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh… đã được cải thiện. Hiệp định thương mại tự do mở ra triển vọng xuất khẩu và dịch chuyển dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

Hơn nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam đi từ thấp lên cao chứ không phải đi ra từ một thị trường bong bóng nên còn nhiều dư địa để phát triển. Bên cạnh đó, với các yếu tố nội tại như vậy, tác động của các diễn biến trên thị trường quốc tế đối với Việt Nam theo đánh giá thấp hơn các nước khác.

-Các công ty Mỹ và hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới đang ồ ạt rút vốn ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam liệu có khả năng hấp thụ được những dòng vốn này không, thưa ông?

Trong bối cảnh dòng vốn lớn đang dịch chuyển từ Trung Quốc và một số thị trường khác, chúng ta cần phải có chủ trương thu hút. Trên thực tế UBCK đang cố gắng tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai Nghị định 60 và triệt để việc nới room ngoại trong năm 2016. Tiếp tục tái cấu trúc thị trường, cho phép các công ty chứng khoán nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam, hỗ trợ tối đa các tổ chức nước ngoài niêm yết…

Trên cơ sở sự ổn định của kinh tế và những dư địa phát triển của thị trường chứng khoán, nhiều khả năng Việt Nam sẽ thu hút được một dòng vốn mới.

Bạch Dương

0913.756.339