Chanh leo chết bất thường, người dân phải mua nợ giống

Theo khảo sát tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An), đến nay, trên địa bàn huyện Quế Phong đã trồng gần 180 ha chanh leo, trong đó Công ty cổ phần Nafoods (đơn vị đang cung ứng giống cho người dân) trồng 30 ha. Riêng tại xã Tri Lễ, đã có 50 ha bị người dân phá bỏ để trồng thay thế giống mới do Công ty cổ phần Nafoods cung ứng. Các hộ dân tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng mới được trên 11 ha. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ trồng chanh leo, trong số diện tích trồng mới có đến hơn 50% cây bị chết hoặc kém phát triển.

Anh Lương Văn Dung, trú tại bản Yên Sơn, xã Tri Lễ, Quế Phong cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu trồng chanh leo từ năm 2010, trước đó trồng giống của Đài Loan thì cây chết ít. Sau khi trồng giống mới, cây chết nhiều hơn. Trong diện tích chanh leo của gia đình, cây bị chết khoảng 40 % do giống kém chất lượng”. Không chỉ riêng gia đình anh Dung, các hộ dân trong bản Yên Sơn trồng chanh leo đều bị chết hoặc cây không phát triển. Trong đó, gia đình ông Hà Văn Viên trồng 200 gốc thì có đến 100 gốc bị chết hoặc không phát triển. Theo ông Viên, Công ty hứa sẽ cấp lại giống nhưng lâu rồi chưa thấy.

chanh-leo-chet-bat-thuong-nguoi-dan-phai-mua-no-giong

Chanh dây tại biên giới Nghệ An chết bất thường. 

Người dân cho biết thêm, năm 2010, Công ty cổ phần Nafoods cung ứng cây giống nhập khẩu từ Đài Loan thì cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Thế nhưng, năm nay số giống do công ty tự chiết ghép cung ứng cho bà con lại kém chất lượng. Đơn cử như gia đình anh Vy Văn Sơn –  một trong những hộ mạnh dạn đầu tư khá lớn của bản Yên Sơn. Năm 2010, anh Sơn trồng tới 1,3ha với 1.000 gốc chanh leo, năng suất đạt 10 tấn một ha. Năm 2014, anh trồng thay thế 100 gốc, toàn bộ số cây giống này đều do công ty Nafoods cung cấp nhưng cây chết nhiều hơn và còi cọc. Theo tìm hiểu, phần lớn các hộ gia đình trong bản Yên Sơn đã có kinh nghiệm trồng chanh leo từ 5 năm trước, xuất phát từ giống cây Đài Loan. Cho đến bây giờ là giống cây của Công ty Nafoods.

Ông Phạm Hoàng Mai, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quế Phong cho rằng, nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các cấp, giữa công ty và chính quyền địa phương chưa đồng bộ trong việc tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con chưa tốt.

Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quế Phong cho biết: “Thực tiễn sản xuất cho thấy, chanh leo là cây trồng thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của xã vùng cao biên giới huyện Quế Phong, có thể cho thu nhập cao từ 600 – 800 triệu đồng một ha một năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới vùng cao… Vì vậy, qua sự việc đáng tiếc này, các cấp ngành địa phương, doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân, sớm có giải pháp khắc phục, để cây chanh leo thực sự đứng vững trên núi rừng Quế Phong”.

Trong khi các đơn vị liên quan còn đang đổ lỗi cho nhau thì người dân lại phải mua nợ công ty với giá 50.000 đồng một gốc để trồng xen lại. Điều đáng nói, theo quy hoạch phát triển cây chanh leo đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, sẽ mở rộng diện tích trồng chanh leo nguyên liệu lên 1.500 ha tại 3 xã Tri Lễ, Nậm Nhoóng và Nậm Giải. Bởi vậy, nếu tình trạng chanh chết và kém phát triển còn diễn ra sẽ phần nào ảnh hưởng đến tư tưởng của bà con, gây khó khăn trong việc mở rộng diện tích của huyện Quế Phong.

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc điều hành Công ty chanh leo Nafoods cho biết: “Tỷ lệ cây trồng chết chỉ chiếm 20%, nên không thể có chuyện chanh leo bị chết hàng loạt như người dân phản ánh. Nguyên nhân cây chết là do người dân trồng không đảm bảo quy trình kỹ thuật, chưa có biện pháp phòng trừ kịp thời. Thêm vào đó, do phong tục tập quán canh tác còn lạc hậu. Trách  nhiệm này thuộc về phòng nông nghiệp huyện và Ban quản lý dự án 30A của huyện”.

Theo Tiền Phong

0913.756.339