Cần liên kết xây dựng thương hiệu trong bối cảnh hội nhập

Mục tiêu của chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là quảng bá hình ảnh, thương hiệu nước nhà thông qua việc giới thiệu sản phẩm đến khắp mọi nơi trên thế giới. Chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2003.

Ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Tổng thư ký Ban Thư ký chương trình Thương hiệu Quốc gia chia sẻ về những thành quả đạt được của chương trình.

xay-dung-va-quang-ba-thuong-hieu-quoc-gia-trong-boi-canh-hoi-nhap-xin-bai-edit

Ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Tổng thư ký Ban Thư ký chương trình Thương hiệu Quốc gia. Đăng ký tham gia chương trình Thương hiệu Quốc gia 2016 tại đây

– Thành tựu đáng nhớ nhất mà chương trình Thương hiệu Quốc gia đạt được trong những năm qua là gì, thưa ông?

– Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng và góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Chương trình giúp nâng cao nhận thức về thương hiệu, tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động tư vấn và đào tạo. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá cho chương trình Thương hiệu Quốc gia và các doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm Việt Nam được chú trọng. Sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam đã cải thiện đáng kể.

Các hiệp hội ngành hàng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu xây dựng đã được hỗ trợ tuyệt đối. Chương trình cũng thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cho ngành, nhất là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như nông sản, thực phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ…

Chương trình còn hỗ trợ các doanh nghiệp này tiếp tục theo đuổi và củng cố các giá trị quan trọng trong kinh doanh. Đó là chất lượng, đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong.

– Các doanh nghiệp được hỗ trợ gì cho công tác quảng bá, khuyếch trương thương hiệu sau khi được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia?

– Chương trình đã phối hợp với các bộ ngành, UBND các tỉnh thành, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng, tổ chức nhiều hình thức quảng bá phong phú. Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia tại các sự kiện xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế như các kỳ hội chợ quốc tế Vietnam Expo, triển lãm – hội chợ thương mại tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tuần lễ Việt Nam tại nước ngoài…

Ban thư ký phát huy quan hệ đối tác chiến lược với các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền giới thiệu cho chương trình và các doanh nghiệp. Chương trình Truyền hình Thương hiệu Quốc gia được phát sóng đều đặn 2 số mỗi tuần trên kênh VTV1, cổng thông tin điện tử, ấn phẩm xúc tiến xuất khẩu bằng nhiều ngôn ngữ…

Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn hướng dẫn về xu hướng phát triển thương hiệu cũng như những kiến thức quan trọng nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Ông có thể chia sẻ kế hoạch nâng cao số lượng doanh nghiệp được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia trong thời gian tới?

– Mục tiêu của chương trình là lựa chọn ra những doanh nghiệp hàng đầu của từng ngành, lĩnh vực có thương hiệu sản phẩm, dịch vụ đạt đủ các tiêu chí để có thể trở thành những thương hiệu đại diện của quốc gia. Do vậy, yếu tố chất lượng luôn được coi trọng vì uy tín, lợi ích của doanh nghiệp và của chính chương trình.

Chương trình tập trung vào hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp sau khi đạt Thương hiệu Quốc gia trong việc theo đuổi các giá trị mà quốc gia hướng tới, tiếp tục tăng trưởng, phát triển kinh doanh bền vững, duy trì vị thế tiên phong, dẫn dắt thị trường về mặt thương hiệu.

Thời gian qua, số lượng các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia đã tăng dần chứng tỏ năng lực của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cũng ngày càng quan tâm hơn tới yêu cầu phát triển thương hiệu để cạnh tranh thắng lợi.

– Thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ đóng vai trò như thế nào trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng?

– Trước sức ép cạnh tranh gay gắt, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sôi động hiện nay, thương hiệu ngày càng được khẳng định là tài sản vô cùng quý giá của mỗi doanh nghiệp cũng như của mỗi quốc gia. Thương hiệu là tài sản phi vật thể nhưng lại mang ý nghĩa vật chất thiết thực đối với một doanh nghiệp nói riêng và một quốc gia hay một nền kinh tế nói chung. Ở mỗi cấp độ, thương hiệu được đề cập với phạm vi và quy mô tác động rất khác nhau.

Tuy nhiên, dù ở cấp độ nào, thương hiệu cũng luôn được xem như một thông điệp có tính chất xuyên suốt và bao trùm. Đây là kênh giao tiếp trực tiếp với người tiêu dùng, có tính chất quyết định đến việc gia tăng giá trị, mở rộng thị trường cho một sản phẩm dịch vụ cụ thể.

Vì vậy, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu, cũng như tăng cường năng lực của hệ thống phân phối và khả năng nhận biết hàng hóa, dịch vụ lưu thông trong nước và tại thị trường quốc tế là yêu cầu chiến lược quan trọng trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước.

– Chương trình sẽ hỗ trợ như thế nào cho những doanh nghiệp muốn xây dựng, quảng bá thương hiệu ra thị trường nước ngoài nhưng nguồn lực tài chính có hạn?

– Tài chính được xem là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đầu tư một cách thông minh, có chiến lược mới đóng vai trò quyết định. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có các bước chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu kỹ về thị trường mong muốn xuất khẩu, đặc biệt khảo sát, phân tích phân khúc, thị hiếu, dự báo nhu cầu, quy định nhập khẩu, kênh phân phối, các đối thủ cạnh tranh… Từ đó, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, định vị thương hiệu, kế hoạch cụ thể cho từng thời kỳ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần biết phát huy những lợi thế quốc gia một cách đúng đắn bên cạnh việc đề ra những chiến lược phát triển thương hiệu thông minh, chuyên nghiệp, độc đáo. Doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới, nghiên cứu về mẫu mã, thị hiếu của người tiêu dùng để đáp ứng tốt nhất cũng là bí quyết có thể vươn xa hơn.

Ban thư ký đã và đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu bằng các giải pháp thu hút nguồn lực từ nhiều nguồn.

– Sắp tới, khi một loạt hiệp định tự do thương mại được ký kết, sức ép cạnh tranh đặt ra với các thương hiệu Việt càng lớn. Chương trình sẽ làm gì để giúp doanh nghiệp giải tỏa những thách thức này?

– Trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế đang hội nhập sâu rộng, khả năng cạnh tranh và chinh phục thị trường của các sản phẩm và dịch vụ không chỉ được quyết định bởi giá thành và chất lượng mà ngày càng phụ thuộc vào giá trị thương hiệu. Trong khi đó, các hiệp hội, liên đoàn… hiện nay mới chỉ tập trung xúc tiến thương mại mà còn bỏ ngỏ hoạt động xây dựng thương hiệu, dẫn tới nhiều công ty trong nước chưa tối đa hoá được tiềm năng trên thị trường Việt Nam và quốc tế.

Khoảng trống này đòi hỏi cần có một mô hình liên kết và hỗ trợ hiệu quả để giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hiệu quả và bền vững giúp thương hiệu Việt Nam thiết lập và khẳng định chỗ đứng trên thương trường.

Do vậy, trong thời gian tới, chương trình Thương hiệu Quốc gia sẽ sớm thiết lập một mô hình liên kết bằng việc thành lập tổ chức nghề nghiệp cho các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia, giúp xây dựng một cộng đồng cộng hưởng sức mạnh, chia sẻ nguồn lực, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nếu đứng một mình sẽ gặp nhiều thách thức. Kết hợp các thế mạnh khác nhau, liên kết với nhau, giúp gây dựng nền tảng xây dựng thương hiệu tập thể, hiệu quả. Ví dụ như thương hiệu ngành thủ công mỹ nghệ mới ra mắt gần đây là một mô hình tiêu biểu.

Minh Trí

0913.756.339