Mỗi lao động Việt Nam làm ra gần 80 triệu đồng một năm

Tổng cục Thống kê cho biết năng suất lao động xã hội của nền kinh tế năm qua (tính theo giá hiện hành) đạt 79,3 triệu đồng mỗi lao động, tương đương khoảng 3.660 USD. Con số này ước tính tăng 6,4% so với 2014. 

Cơ quan này nhận định, năng suất lao động người Việt đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều, bình quân giai đoạn 2006-2015 tăng 3,9% mỗi năm. So với năm 2010, năng suất lao động đã tăng 23,6%, song vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 29-32%. 

Tổng cục Thống kê cho rằng, năng suất lao động của nước ta vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, chênh lệch mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lại gia tăng. 

Cơ quan này lý giải, nguyên nhân chủ yếu là cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trong khi năng suất ngành này lại thấp. Bên cạnh đó, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ của Việt Nam còn lạc hậu, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu… cũng là một trong những nguyên nhân của thực trạng trên.

Vấn đề năng suất lao động đã nhiều lần được các cơ quan quản lý, bộ, ngành đưa ra bàn thảo sau khi một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố cho thấy chỉ số này của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, năng suất của người lao động Việt thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Các ý kiến cũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên như khoa học kỹ thuật chậm phát triển, trình độ nhân lực, cơ cấu nền kinh tế…

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết ước tính đến đầu năm 2016, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước vào khoảng 54,6 triệu người, tăng 185.000 người so với cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2015 là 2,31%, cao hơn so với 2 năm trước đó.

Ngọc Tuyên

0913.756.339