Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố bán đấu giá số cổ phần Nhà nước đang nắm giữ tại Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamotor). Theo đó, Nhà nước sẽ bán ra 85,6 triệu cổ phần, chiếm 97,7% vốn điều lệ với giá khởi điểm 14.612 đồng một cổ phần. Tổng trị giá của đợt chào bán, theo đó, tương đương 1.250 tỷ đồng.
Nhà nước sẽ bán toàn bộ vốn tại Vinamotor. |
Phiên đấu giá dự tính diễn ra ngày 11/1/2016, nơi nhà đầu tư sẽ phải đặt cọc 10% giá khởi điểm. Điều kiện kèm theo đối với bên mua là có vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2015 tối thiểu 926 tỷ đồng, không có lỗ lũy kế và cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm.
Vinamotor được cổ phần hóa từ năm 2014, với vốn điều lệ 876 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp ôtô: Sản xuất xe động cơ, thân xe, rơ-moóc và bán rơ-moóc, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe, môtô, xe máy…
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô trong nước, kết quả kinh doanh của Vinamotor có sự tăng trưởng nhất định. Năm 2014, tổng doanh thu của công ty đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 32% so với 2013. Lợi nhuận sau thuế đạt 165 tỷ đồng, tăng 11 lần cùng kỳ. Tổng tài sản của doanh nghiệp khi đó đạt 1.854 tỷ đồng, giảm 15,5% so với đầu năm, trong khi nợ phải trả đạt 768 tỷ đồng (nợ ngắn hạn 644 tỷ). Hiện Vinamotor cũng đang sở hữu 6,5 triệu cổ phần, tương ứng 21,8% vốn điều lệ của Công ty ôtô TMT.
Đầu năm 2014, Vinamotor tiến hành IPO khi chào bán công khai 51% cổ phần, giá khởi điểm chỉ 10.000 đồng. Tuy nhiên, đợt bán này thất bại khi chỉ có 1,5 triệu cổ phần được mua. Sau đó, Vinamotor được chuyển sang hình thức công ty cổ phần.
Đầu năm 2015, có rất nhiều cái tên đình đám gia nhập cuộc đua giành quyền chi phối tại Vinamotor là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam, Công ty cổ phần Thành Công Ninh Bình, Công ty đầu tư và kinh doanh Sacom… Đây đều là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.
Trước đó, Tổng công ty ôtô TMT cũng đánh tiếng mua lại số cổ phần mà Nhà nước dự định thoái vốn tại đây. Đại hội cổ đông TMT đã thông qua kế hoạch phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu để phục vụ cho việc mua lại cổ phần.
Trong khi đó, lãnh đạo Vinamotor từng cho biết: “Nếu đến phút chót mà vẫn có nhiều hơn một nhà đầu tư quan tâm thì sẽ đấu giá theo quy định chứ bản thân Vinamotor cũng không được lựa chọn bên nào. Dù vậy, chúng tôi vẫn hy vọng đối tác cuối cùng có chung ngành nghề chính để tiếp tục con đường mà Vinamotor đã chọn là sản xuất và lắp ráp các dòng xe buýt, xe tải, xe khách 29 chỗ trở lên”.
Bạch Dương