Đại biểu Quốc hội trăn trở tìm động lực phát triển mới

Quốc hội vừa kết thúc một ngày rưỡi thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển năm 2016.

Với khoảng 70 ý kiến phát biểu, đa số đều tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, cho rằng tình hình Việt Nam đã có nhiều cải thiện, môi trường vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5% – cao nhất trong 5 năm, lạm phát ở mức thấp nhất 15 năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đảm bảo…

dai-bieu-quoc-hoi-tran-tro-tim-dong-luc-phat-trien-moi

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo kinh tế – xã hội của Chính phủ. Ảnh: Giang Huy

Nhìn lại một nhiệm kỳ sắp trôi qua, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) bày tỏ đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đầu tiên là sự lo lắng khi nền kinh tế xuống đáy với hàng loạt những vấn đề như nợ xấu, lạm phát, doanh nghiệp phá sản, giải thể, kinh tế vĩ mô bất ổn. Đến năm cuối nhiệm kỳ, ông tạm hài lòng với các chỉ số cho thấy nhịp độ tăng trưởng khá đã quay trở lại, tình hình vĩ mô đi dần vào quỹ đạo ổn định, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn chuyển biến về chất.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cũng vui mừng trước những kết quả tốt về kinh tế – xã hội trong năm 2015, khi hoàn thành 13 trên 14 chỉ tiêu về kinh tế, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng phục hồi khá rõ nét, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn.

Nhưng bên cạnh những điểm sáng được ghi nhận, các đại biểu vẫn thận trọng về giai đoạn phát triển sắp tới, vốn được đánh giá thách thức hơn khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, cao hơn giai đoạn 2011 – 2015. “Tuy chúng ta đã tăng trưởng nhưng tốc độ bình quân 5 năm qua chỉ đạt 5,8%, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân của 5 năm trước. Điều này cho thấy động lực cho tăng trưởng đến giai đoạn này đã đạt mức bão hòa”, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Du Lịch lo ngại trong 5 năm tới, liệu tăng trưởng có thể cao hơn giai đoạn vừa rồi, năm sau cao hơn năm trước hay không?

“Kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp và các đầu tàu kinh tế hiện nay vẫn tiếp tục khó khăn, diễn biến chính trị ở một số quốc gia vẫn còn phức tạp và đặc biệt là tình hình căng thẳng trên Biển Đông đã tác động không nhỏ đến kinh tế, xã hội của nước ta. Vấn đề đặt ra ở đây đâu là nguyên nhân cơ bản giúp chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách và ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó có thêm bài học kinh nghiệm cho việc điều hành trong thời gian tới”, ông Ngân nói.

Theo đó, các đại biểu đồng tình với quan điểm phải tìm kiếm các động lực phát triển mới để đưa nền kinh tế tiến lên cao hơn. Ông Trần Du Lịch đề xuất phải khơi thông nguồn vốn để kích thích tăng trưởng. “Tín dụng phải tăng gấp 3 lần GDP, tức phải 20%”, ông kiến nghị. Ngoài ra, lãi suất trung và dài hạn cần hạ xuống, nợ xấu được giải quyết căn cơ; nợ công phải tái cơ cấu để giảm áp lực lên ngân sách hàng năm, kể cả phát hành trái phiếu…

dai-bieu-quoc-hoi-tran-tro-tim-dong-luc-phat-trien-moi-1

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng phải tìm kiếm các động lực mới cho phát triển. Ảnh: Giang Huy

Động lực về cải cách thể chế, phân bổ nguồn lực cũng sẽ đóng vai trò quan trọng cho một chu kỳ mới phát triển về chiều sâu và bền vững. Theo diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam đứng thứ 56 trong 140 nền kinh tế về chỉ số năng lực cạnh tranh, thấp so với các nước trong khu vực. Do đó, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố cần chú ý.

Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị từ năm 2016 phải mở rộng các trường thực nghiệm, thực hành, giảm dần các trường đại học lý thuyết xuông để tạo ra những con người nói được, viết được và làm được. “Có doanh nghiệp nhận hàng trăm hồ sơ sinh viên xin việc, nhưng khi cho vào vận hành máy móc thì chỉ tìm được một người. Sinh viên ra trường phải giấu bằng đại học đi làm thợ xây, phụ hồ, đánh giày, bán báo thì đào tạo đại học làm gì cho lắm”, ông bức xúc.

Dẫn chứng trường hợp 13 học sinh nhận học bổng Đường lên đỉnh Olimpia để đi du học nhưng chỉ một người quay về làm việc tại Việt Nam để nói lên trăn trở về thu hút nguồn nhân lực có chất xám, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị cần phải có sự đột phá mạnh mẽ trong thu hút sử dụng và phát huy nhân tài, làm sao đưa lực lượng này vào làm việc trong hệ thống chính trị thông qua thi tuyển rộng rãi, công khai, minh bạch.

“Tôi đề nghị phải tuyển chọn, đề bạt công chức có tính cạnh tranh, công khai minh bạch thông qua đánh giá sản phẩm công vụ, cống hiến của họ mà xã hội nhìn thấy. Đừng chọn người nói thì hay làm thì dở, chỉ xoay xở tìm cách làm lãnh đạo”, đại biểu Đỗ Văn Đương thẳng thắn bày tỏ.

Là năm cuối của nhiệm kỳ, trách nhiệm của người đứng đầu cũng được Quốc hội nêu lên để đưa vào bài học kinh nghiệm cho thời gian tới. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nhận định nhiệm kỳ qua có nhiều lĩnh vực tạo được dấu ấn mạnh như ngoại giao, ngân hàng, giao thông, nhưng bên cạnh đó vẫn còn quá nhiều bức xúc, quá nhiều yếu kém. Nền kinh tế với cái gốc là sản xuất không ngừng tụt hậu, đời sống của người nông dân vẫn luôn khốn khó, chống tham nhũng cả chục năm vẫn chưa vượt qua thời kỳ cầm cự. 

“Những bức xúc trên có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân rất lớn thuộc về trách nhiệm của các Bộ trưởng, của những người đứng đầu các ngành, các địa phương, thậm chí là trách nhiệm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Nhiệm kỳ này, chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng bí thư rơi vào lịch sử”, vị này phát biểu thẳng thắn.

Ông đề nghị trong bản tổng kết 5 bài học kinh nghiệm, Chính phủ phải bổ sung thêm bài học về trách nhiệm, bản lĩnh của các đồng chí bộ trưởng, các thành viên Chính phủ và người đứng đầu ở các địa phương.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chính phủ giải trình tại sao có nhiều yếu kém đã được chỉ ra trong các kỳ nhưng tới nay chưa được khắc phục, nguyên nhân là do thiếu nguồn lực hay do năng lực cán bộ, hiệu lực thanh tra chưa cao…

Bên cạnh những ý kiến của đại biểu, phiên thảo luận này còn ghi nhận những phát biểu của Bộ trưởng Lao động Thương binh và xã hội, Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Y tế về những vấn đề nóng của ngành như bảo hiểm xã hội, lao động qua đào tạo, việc xây dựng trái phép, gói gỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp mua nhà…

Riêng với nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết bên cạnh thành tích đạt được thì vấn đề xuất khẩu nông sản giảm sút đang gây lo lắng. “Sản lượng chung tăng, nhưng một số mặt hàng chủ lực lại tăng thấp hơn như lúa, cà phê, tôm. Xuất khẩu nông – lâm – thủy sản 9 tháng giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái do mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, cao su, cá tra kim ngạch giảm”, ông nói.

Thời gian tới, vị trưởng ngành cho biết sẽ tiếp tục cơ cấu lại sản xuất theo hướng phát huy các mặt hàng, sản phẩm thế mạnh của quốc gia và từng vùng; nghiên cứu, ban hành chính sách mạnh mẽ hơn; xây dựng, bố trí nguồn lực hợp lý…

Liên quan đến sử dụng chất cấm trong thực phẩm, được đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn rằng phải truy trách nhiệm cá nhân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đây cũng là điều trăn trở. Kết quả kiểm tra 9 tháng đầu năm cho thấy tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm còn cao: thủy sản có 1,01% mẫu vi phạm; rau 10,3% mẫu; thịt 7,6% có kháng sinh, 16% có samondela (một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột).

“Phải đấu tranh với chất cấm như ma túy. Với tôi việc sử dụng chất cấm là một tội ác”, ông nhấn mạnh.

Phương Linh

0913.756.339