Chỉ số giá tại TP HCM giảm, Hà Nội nhích nhẹ tháng giáp Tết

Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tháng này tăng 0,12% so tháng trước và tăng 1,19% so cùng kỳ.

Trong 8 nhóm hàng hóa tăng giá, tăng cao nhất thuộc về giáo dục (tăng 3,74%) do ảnh hưởng của việc điều chỉnh học phí cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Nhóm có chỉ số giảm duy nhất là giao thông (giảm 2,1%) do trong kỳ tính giá, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh. 

chi-so-gia-tai-tp-hcm-giam-ha-noi-nhich-nhe-thang-giap-tet

Giá hàng hóa tại hai thành phố lớn ổn định trong tháng giáp Tết.

Mặt khác, tại TP HCM, là tháng giáp Tết nhưng nguồn cung hàng hóa dồi dào cộng thêm các chương trình bình ổn giá khiến tình hình giá cả khá ổn định. Chỉ số giá tháng này giảm 0,03% so tháng trước, trong đó có 3 nhóm hàng giảm là thuốc và dịch vụ y tế, giao thông và bưu chính viễn thông. Nhóm nhà ở – điện nước – chất đốt tăng mạnh nhất trên 1%. Các nhóm hàng ăn dịch vụ ăn, giáo dục và văn hóa giải trí không biến động.

Báo cáo của cơ quan thống kê cho hay giá lương thực, thực phẩm tại hai thành phố lớn ổn định hoặc nhích nhẹ ở một số mặt hàng. Ở Hà Nội, giá thực phẩm tăng 0,27% so tháng trước do quy luật giáp Tết khiến nhiều hộ dân găm giữ hàng để bán, làm nguồn cung khan hiếm. Thêm vào đó, việc các nhà hàng thu gom thực phẩm để phục vụ cho các đám cưới hỏi, liên hoan, hội nghị cuối năm cũng khiến cho giá một số mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản,… tăng giá.

Ở TP HCM, nhóm hàng ăn sau khi giảm nhẹ ở tháng trước đến tháng này đã ổn định hơn, trong đó nhóm lương thực tăng 0,4% và nhóm thực phẩm giảm 0,11%. Lương thực tăng tập trung vào các nhóm hàng gạo và bột mì, ngũ cốc, như gạo thường tăng 0,55%, gạo ngon tăng 0,67% và gạo nếp tăng 0,14%. Giá thực phẩm giảm nhẹ, bao gồm thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng, dầu mỡ ăn..

Phương Linh

0913.756.339