Trung Quốc không nằm trong 12 quốc gia ký Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi đầu tháng này. Đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, với tổng GDP các nước là 28.000 tỷ USD. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc vẫn luôn khẳng định TPP không nhắm vào nước này, nhưng sẽ đánh giá ảnh hưởng một cách toàn diện.
Trong một bài bình luận hôm qua, trang Study Times của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc cho biết nhiều người nước này coi TPP là một “kịch bản” nhằm cô lập và kìm hãm các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Dù vậy, các mục tiêu chung của TPP, trong đó có giảm thủ tục hành chính và bảo vệ môi trường, cũng phù hợp với những điều họ đang cố gắng đạt được.
Một công nhân đang bốc dỡ container tại cảng Lianyungang (Trung Quốc). Ảnh: WSJ |
“Các quy định của TPP và hướng cải tổ – mở cửa của Trung Quốc phù hợp với nhau. Trung Quốc nên tiếp tục chú ý sát sao tới TPP và đến một thời điểm thích hợp, tùy vào tiến trình cải tổ, thì nên gia nhập”, bài báo kết luận. Trung Quốc đang muốn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững hơn, dựa vào tiêu dùng và thân thiện với môi trường hơn.
Tuy vậy, ảnh hưởng của việc này lên các công ty quốc doanh sau khi gia nhập TPP vẫn còn cần cân nhắc kỹ càng, do Trung Quốc coi những doanh nghiệp này có vai trò chủ chốt trong nền kinh tế.
Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy hiệp định thương mại của riêng họ – Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP), gồm 16 nền kinh tế với tổng dân số 3,4 tỷ người. RCEP có 10 nước ASEAN, thêm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Mục đích của TPP là giảm rào cản thương mại và thiết lập tiêu chuẩn chung trong khối. Tuy nhiên, nó cũng được coi là công cụ kìm hãm tầm ảnh hưởng cả về chính trị và kinh tế của Trung Quốc tại châu Á.
Hà Thu