Là một trong những nội dung được chú ý tại dự thảo Bộ luật Dân sự, việc dùng hay bỏ trần lãi suất cơ bản, qua đó giúp ngăn ngừa tình trạng cho vay nặng lãi, đã được các đại biểu tranh luận nhiều lần.
Tại dự thảo mới nhất trình Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 24/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đưa ra 2 phương án: Thứ nhất, quy định mức lãi suất cố định tối đa 20% một năm của khoản tiền vay. Trong khi phương án hai là không quá 200% so với lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, cơ quan thường trực của Quốc hội nghiêng về quy định mức lãi suất cố định 20%.
Ủy viên thường trưc Ủy ban Pháp luật – Ngô Văn Minh cho biết cơ quan thẩm tra đánh giá phương án trần lãi suất cố định là hợp lý. Ảnh: TTXVN |
Theo đại biểu Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng), phương án này sẽ giúp chống cho vay nặng lãi hiệu quả hơn. “Quy định ngay trong luật mức lãi suất cố định tối đa 20% một năm sẽ đảm bảo rõ ràng minh bạch. Các bên tham gia có thể biết ngay hậu quả khi tham gia giao dịch”, bà Thúy phân tích. Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp – Đinh Xuân Thảo cũng tán đồng phương án một với lập luận “cần có một quy định cứng”.
Ngược lại, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) cho rằng nếu quy định mức cố định thì phải có thời gian cụ thể, đề phòng trường hợp đồng tiền bị trượt giá. Vị này cũng không yên tâm với phương án hai, tức không quá 200% bởi lập luận rằng nhiều năm rồi, Ngân hàng Nhà nước không công bố lãi suất cơ bản để tham chiếu.
Theo ông Ánh, trong trường hợp quyết định phương án hai thì cần lấy lãi suất tái cấp vốn để tham chiếu, bởi đây là lãi suất được điều chỉnh hằng năm, theo tình hình thị trường.
Cũng nghiêng về phương án hai, song chuyên gia Trần Du Lịch đề xuất thay lãi suất cơ bản bằng lãi suất tái cấp vốn hoặc liên ngân hàng. “Chứ nếu quy định không quá 20% như phương án đầu, trong trường hợp những năm lạm phát cao, chả lẽ khi đó lại sửa luật”, ông Lịch băn khoăn.
Phát biểu cuối cùng, Ủy viên thường trưc Ủy ban Pháp luật – Ngô Văn Minh cho biết ông là người được cơ quan thẩm tra giao nghiên cứu nội dung này.
Giải thích lý do Ủy ban Pháp luật đề nghị thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án cố định 20%, ông Minh cho biết nếu căn cứ vào những năm lạm phát cao thì lãi suất cho vay đều ở mức 15-16%.
“Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước giải thích rằng họ quy định lãi suất cơ bản là để điều chỉnh chính sách tiền tệ, điều tiết vĩ mô chứ không phải để Bộ luật Dân sự dẫn chiếu và áp dụng. Tôi thấy Ngân hàng giải thích vậy là có lý”, ông Minh bình luận. Ngược lại, khi hỏi các ý kiến nghiêng về mức 200% lãi suất cơ bản thì các bên đưa ra đều không lý giải rõ vì sao lại chọn con số này.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua Bộ luật Dân sự vào ngày 24/11. Thông thường, với những nội dung còn có ý kiến trái chiều, Quốc hội sẽ biểu quyết riêng từng phương án trước khi thông qua toàn bộ dự luật hay nghị quyết.
Chí Hiếu