Theo đơn vị này, trước tiên, quỹ đất công nghiệp và kho bãi sẽ có nhiều chuyển biến. Những khu vực còn quỹ đất lớn như Bình Dương, Đồng Nai và Long An đứng trước cơ hội được săn tìm nhiều nhất bởi các nhà sản xuất hàng may mặc. Chủ đầu tư khu công nghiệp và các công ty xây dựng sẽ là đối tượng được hưởng lợi khi nhiều công ty dệt may, thủy sản di dời nhà máy đến Việt Nam.
TPP sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các nước nhập khẩu chính các sản phẩm Việt Nam như Mỹ và Nhật Bản. Đầu tư của Mỹ ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với Hàn Quốc và Nhật Bản. Các công ty Mỹ sẽ tăng các hoạt động sản xuất tại Việt Nam và tái nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam nhờ vào việc miễn thuế của nước này trên các sản phẩm chính như may mặc. Các công ty Mỹ có khả năng sẽ nhắm đến các khu đất công nghiệp tại các tỉnh phía Nam, nơi mà một số nhà máy dệt may hiện hữu đang tọa lạc.
Nhu cầu cho đất công nghiệp, kho bãi và nhà máy, không những đến từ 12 quốc gia trong hiệp định TPP mà còn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ không có trong hiệp định như Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc), luôn muốn chạy trước hiệp đinh để hưởng ưu đãi về thuế.
Kế đến là bất động sản hậu cần đứng trước cơ hội phát triển lớn, trong đó, mảng cảng biển, cảng hàng không sẽ có nhiều tiềm năng phát triển nhờ tăng giao dịch thương mại.
Ngoài ra, văn phòng và nhà ở cũng là hai mảng bất động sản đón làn sóng tích cực từ TPP. Làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ sẽ thúc đẩy các công ty có vốn FDI tại Việt Nam gia tăng nhu cầu mặt bằng văn phòng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng trưởng dự kiến của các công ty nước ngoài đến Việt Nam đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê và thậm chí căn hộ để bán sẽ tăng cao hơn.
Vũ Lê