Đua nhau làm gạo cao cấp

Xuất khẩu thành công các loại gạo cao cấp sang Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Anh…, giữa tháng 10 này Công ty TNHH dịch vụ thương mại cổ phần Kim Sáng tiếp tục cho ra sản phẩm mới mang thương hiệu Lanny Rice. Theo giám đốc sản xuất của công ty, sản phẩm sẽ cạnh tranh với dòng Japonica của Nhật, Basmati của Ấn Độ hay Hom Mali của Thái Lan.

“Để mở rộng thị trường, chúng tôi đầu tư 2 triệu USD mua máy móc, mở rộng 1.000 ha ở Long An làm vùng nguyên liệu cho loại giống mới này. Bình quân, một ha chúng tôi đầu tư khoảng 15 triệu đồng để hỗ trợ người nông dân từ con giống, phân bón tới kỹ thuật canh tác”, vị này chia sẻ.

dua-nhau-lam-gao-cao-cap

Dòng gạo cao cấp của Việt Nam đang có lợi thế ở nước ngoài. Ảnh: MH.

Mới đưa sản phẩm ra thị trường nhưng doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng của 2 đối tác ở Hong Kong và Singapore với số lượng 100 tấn. Giá loại gạo này cao hơn khoảng 10% so với các sản phẩm cao cấp khác tại doanh nghiệp và được thị trường nước ngoài chấp nhận ở mức trên 1.000 USD một tấn.

Là đơn vị có 20 năm chuyên xuất khẩu gạo thô, khi thấy tiềm năng của dòng sản phẩm cao cấp thì doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp) cũng quyết định xây dựng thương hiệu cho phân khúc này với tên Nosavina. Doanh nghiệp cho biết, trước đó dự định đầu quý I năm nay sẽ xuất sang thị trường Singapore, sau đó là Malaysia với giá trên 1.000 USD một tấn. Tuy nhiên, tới thời điểm này sản phẩm mới chỉ bán ở thị trường nội địa với giá trên 22.000 đồng một kg.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, sở dĩ việc xuất khẩu chậm hơn so với kế hoạch là do doanh nghiệp muốn khảo sát kỹ về thị trường cũng như nhu cầu của quốc gia dự kiến nhập khẩu. Theo đó, sản phẩm có thể được xuất trong năm tới.

Nổi tiếng với 20 sản phẩm gạo cao cấp, Doanh nghiệp tư nhân Công Bình rất thành công khi xây dựng dòng sản phẩm mang thương hiệu của chính chủ doanh nghiệp.

Chia sẻ với VnExpress.net, Giám đốc Phan Công Bình cho hay, 2 sản phẩm cao cấp là Sông Vàm và CB Rice được khá nhiều khách hàng ngoại ưa chuộng. Sản phẩm này xuất đi các thị trường khó tính như châu Âu, Australia, Singapore, Nhật Bản…

“Năm 2014, chúng tôi xuất được 50.000 tấn gạo cao cấp sang các thị trường khó tính với giá 700 -1.000 USD một tấn. Năm nay, dự kiến số lượng xuất có thể đạt 100.000 tấn, tăng gấp đôi so với 2014”, ông Bình cho hay.

Cũng gia tăng lượng gạo cao cấp xuất khẩu, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho hay, 9 tháng đầu năm nay lượng gạo xuất khẩu của công ty sang Trung Đông, Mỹ, Nhật Bản… đạt trên 100 triệu USD, tăng 20% so với năm ngoái, với mức giá dao động 600 – 1.000 USD. “Hiện, tỷ lệ gạo cao cấp xuất khẩu của chúng tôi chiếm tới 70%. Nhiều sản phẩm còn thắng Thái Lan ở thị trường Hong Kong”, ông Thòn cho biết.

Theo ông, nguyên nhân khiến lượng gạo cao cấp xuất khẩu của công ty liên tục tăng mạnh và len lỏi được vào các thị trường khó tính là do doanh nghiệp đầu tư lớn để xây dựng mô hình khép kín. Toàn bộ quy trình được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, canh tác đến bảo quản, chế biến nên sản phẩm có sự đồng nhất về chất lượng và truy suất nguồn gốc dễ dàng.

Tuy nhiên, Chủ tịch Lộc Trời cho rằng, đối với dòng gạo phổ thông, Việt Nam vẫn còn rất yếu thế. Riêng công ty ông sản lượng bán ra cũng không cao, mỗi năm cung ứng cho nội địa chỉ vào khoảng 15.000 tấn. Còn thị trường nước ngoài, gạo cao cấp vẫn giữ thế chủ đạo.

So sánh về lợi nhuận mà dòng sản phẩm cao cấp mang lại, hầu hết các chủ doanh nghiệp đều nhận định là hấp dẫn hơn nhiều so với hàng phổ thông và cấp thấp.

Chủ Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May cho biết, chi phí sản xuất một kg gạo cao cấp Nosavina khoảng 14.000 đồng một kg, nếu bán được giá tốt lợi nhuận đạt được ở mức 7.000-8.000 đồng một kg. Trong khi đó xuất khẩu gạo truyền thống hiện nay lợi nhuận chỉ đạt 1.000 đồng một kg. Thế nên việc đẩy mạnh sản xuất dòng cao cấp là một hướng đi mới giúp công ty mở rộng thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh hơn.

Theo số liệu thống kê của của trang thông tin chuyên nghiên cứu phân tích thị trường lúa gạo thế giới Oryza, hiện gạo 5% tấm và 25% tấm truyền thống của Việt Nam chỉ ở mức 340 – 450 USD một tấn, liên tục giảm trong thời gian qua và thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Campuchia, Brazil. Còn dòng gạo cao cấp Việt Nam đang ngày càng chiếm ưu thế với mức giá liên tục tăng qua các thời kỳ từ 600 đến trên 1.000 USD một tấn.

Xác nhận thời gian gần đây doanh nghiệp tập trung nhiều hơn cho phân khúc gạo cao cấp, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam đồng thời cũng cho biết, dòng gạo cấp thấp của Việt Nam đang dần bị lép vế tại thị trường xuất khẩu và liên tục sụt giảm cả về lượng và giá trị. Trong khi đó, nhóm cao cấp lại được nhiều thị trường đón nhận. Do vậy, đây là lợi thế mà các doanh nghiệp Việt cần phát huy để làm tăng giá trị gạo Việt.

“Dù chưa có con số thống kê chi tiết nhưng trong 9 tháng đầu năm, phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam chiếm tới 26% trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu (4,47 triệu tấn), tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Huệ nói và cho biết thêm, hiện giá lúa gạo đang ấm lên, nhu cầu gạo tại các thị trường truyền thống đang có những tín hiệu hồi phục tích cực. Do vậy, trong những tháng tới gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ khả quan hơn, tăng trưởng ổn định hơn kể từ quý IV/2015 và kéo dài đến quý I/2016.

Thi Hà

0913.756.339