Tất cả dịch vụ công được làm trực tuyến từ 2017

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chính phủ điện tử với mục tiêu đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn và chi phí thực hiện các thủ tục với cơ quan công quyền.

Văn bản yêu cầu sau năm 2016, toàn bộ dịch vụ công phải được cung cấp trực tuyến, cho phép người sử dụng điền và gửi qua hệ thống điện tử các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Với một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp, ngoài hình thức chi trả trực tiếp, người sử dụng dịch vụ có thể thanh toán lệ phí trực tiếp. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

“Phấn đấu đến hết năm 2016, Việt Nam nằm trong nhóm 4 và đến hết năm 2017 nằm trong nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN và chỉ số dịch vụ công trực tuyến và chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc”, Nghị quyết nêu.

tat-ca-dich-vu-cong-duoc-lam-truc-tuyen-tu-2017

Việt Nam đặt mục tiêu sẽ nằm trong top 3 các quốc gia có chỉ số phát triển chính phủ điện tử cao nhất trong ASEAN.

Liên quan đến thủ tục gửi văn bản, từ 1/1/2016, toàn bộ phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố sẽ được kết nối liên thông để tiện cho các nơi có thể trao đổi thông tin. Một hệ thống điện tử để lấy ý kiến về các văn bản cũng được thiết lập nhằm giảm thời gian xây dựng văn bản.

Văn phòng Chính phủ được giao thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia để tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương. Tiến độ giải quyết hồ sơ của các bộ, ngành, địa phương sẽ được công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ sau ngày 1/3/2016, riêng đối với TP HCM có thể thực hiện sớm hơn, từ 15/10/2015.

Để thực hiện các yêu cầu trên, Chính phủ đặt mục tiêu tăng năng lực ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan thông qua thuê doanh nghiệp làm phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp… Nhằm bảo đảm an ninh thông tin, lãnh đạo các cơ quan được chỉ định thầu, xác định giá thuê tạm thời dưới 12 tháng nếu chưa đủ điều kiện cần thiết để xác định giá thuê ổn định.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ, sản phẩm công nghệ thông tin, tạo điều kiện đẩy nhanh thực hiện các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ công có thu. Đồng thời, chính sách thuế cũng được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng ưu đãi hơn nhằm khuyến khích mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Công nghệ thông tin đã góp phần không nhỏ vào công tác quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương. Ngay trong năm 2015, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 98%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm từ 537 giờ xuống còn 167 giờ một năm. Hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế dã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân từ 21 ngày xuống 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.

Huyền Thư

0913.756.339