Ngày 5/10, đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc với việc bộ trưởng 12 nước châu Á – Thái Bình Dương, gồm Australia, New Zealand, Mỹ, Peru, Chile, Mexico, Canada, Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Nhật Bản, nhất loạt thông qua thỏa thuận. Nhiều người cho rằng TPP sẽ giúp Mỹ thu hẹp ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương, do nước này không tham gia TPP. Suy luận này nghe có vẻ đúng đối với Mỹ và các diễn đàn chính sách khác. Nhưng Fortune cho rằng, luận điểm này có lỗ hổng lớn vì nhiều lý do.
Đầu tiên, thật ngây thơ khi cho rằng Trung Quốc sẽ chịu thiệt chỉ bởi nằm ngoài một hiệp định thương mại đầy tính ưu đãi. Dù tiền tệ và thị trường chứng khoán nước này vừa trải qua đợt điều chỉnh (được cho là một phần trong quá trình chuyển đổi sang mô hình nền kinh tế thị trường bình thường), Trung Quốc gần đây đã vượt Mỹ trở thành quốc gia thương mại hàng đầu thế giới. Họ cũng có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất toàn cầu ngay trong trong thập kỷ này.
Đến cuối năm 2014, Trung Quốc đã đầu tư 870 tỷ USD ra toàn thế giới nhằm mở rộng nguồn cung vật liệu thô và các thành phần dùng trong lĩnh vực công nghiệp. Đầu tư của Trung Quốc vào Bangladesh (3,8 tỷ USD) hay Pakistan (17,8 tỷ USD) còn cao hơn nhiều so với những khoản vay mà hai nước này nhận được từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong khi đó, so với Trung Quốc, IMF có tiếng nói lớn hơn nhiều cả về chính trị và kinh tế của hai nước này.
Công nhân làm việc trong một nhà máy may ở Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg. |
Mới đây, Trung Quốc cũng đầu tư vào các dự án phát triển giao thông của Angola để đổi lại quyền sở hữu một phần dự trữ đầu thô của nước này. Một trong những điểm đến đầu tư lớn khác của Trung Quốc là các công ty khai mỏ ở châu Phi.
Trung Quốc cũng đã thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), nhằm cấp vốn cho các dự án trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện tại, 47 nước trong khu vực và 20 nước bên ngoài (kể cả thành viên TPP như Australia, Brunei, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam) đã tham gia AIIB.
Từ năm 2005, Trung Quốc đã tự thiết lập các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với 7 thành viên TPP, gồm Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Singapore, Peru và Việt Nam. Đây là điểm mấu chốt chứng minh, quan điểm có thể cô lập Trung Quốc bằng TPP là một sai lầm lớn.
Mặt khác, nếu nhìn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, một điều rõ ràng là không thể gạt bỏ sự liên quan của Trung Quốc khỏi các thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Với những khoản đầu tư tại các nước đang phát triển, Trung Quốc sẽ không quá khó khăn để thiết kế, phát triển và sản xuất các sản phẩm có thể dễ dàng thâm nhập thị trường Mỹ thông qua các nước trung gian là thành viên TPP. Và khi đó, nghiễm nhiên các doanh nghiệp Trung Quốc lại được hưởng mức thuế ưu đãi mà không cần tham gia TPP.
Ví dụ, để đáp ứng điều kiện về xuất xứ như quy định trong TPP, Trung Quốc có thể điều phối hoạt động của chuỗi cung ứng áo sơ mi làm từ vải cotton bằng cách nhập khẩu cotton từ Pakistan (thông qua FTA hiện tại của 2 nước), rồi thực hiện các công đoạn “cao cấp” như thiết kế vải, dệt và nhuộm màu ngay trong nước. Sau đó, họ xuất khẩu loại vải này sang Việt Nam, cũng thông qua FTA.
Cùng lúc đó, Nhật Bản có thể xuất khẩu cúc áo sang Việt Nam thông qua thỏa thuận TPP. Việt Nam khi đó sẽ thực hiện khâu may vá rồi xuất khẩu áo sơ mi thành phẩm sang Australia, Nhật Bản và Mỹ thông qua TPP. Như vậy, các sản phẩm này sẽ không mất thuế nhập khẩu. Trong khi đó, chúng sẽ phải chịu mức thuế lần lượt là 5%, 10,9% và 16,5% tới 3 nước trên, nếu Trung Quốc giao dịch trực tiếp.
Bên cạnh đó, ngay cả khi thất bại trong việc đàm phán FTA với 5 nước thành viên còn lại của TPP, Trung Quốc vẫn có thể tận dụng chuỗi cung ứng để thúc đẩy thương mại đa phương nhằm hưởng mức thuế nhập khẩu thấp nhất.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp Trung Quốc có quy mô vừa phải, như Texhong (may mặc), đã cố tình mở cơ sở sản xuất tại Việt Nam trước đồn đoán về triển vọng của TPP. Hiện nay, một số nguồn cung ứng nội bộ của Walmart đều từ các cơ sở sản xuất của Trung Quốc. Đó cũng được xem như hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Tương tự, việc cơ sở của Texhong tại Việt Nam nhập các sản phẩm may mặc bán thành phẩm từ Trung Quốc và sau đó xuất sang Mỹ cũng được xem là hoạt động thương mại giữa 3 nước thông qua FTA.
Như vậy, không những không cô lập được Trung Quốc, việc loại Trung Quốc ra khỏi TPP sẽ chỉ càng khiến căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới gia tăng. Ngay cả khi tìm được phương án hòa giải, các lãnh đạo Trung Quốc cũng chẳng ưa gì quan điểm loại Trung Quốc ra khỏi TPP của Mỹ. Thậm chí, Trung Quốc có thể sẽ vạch ra những bước đi riêng để đánh bại TPP.
Rõ ràng Trung Quốc đang là trung tâm sản xuất lớn của cả châu Á và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Câu hỏi rất căn bản với một hiệp định thương mại tự do lớn như TPP là: “Tại sao Mỹ tham gia TPP mà không tìm cách lôi kéo cả Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của họ tại châu Á – vào cùng?”
Fortune cho rằng kết quả của những động thái công kích ngoại giao này rất có thể sẽ là sự hình thành đầy mâu thuẫn và ngớ ngẩn của 2 khối thương mại trùng lặp, cần đến nhau về mặt kinh tế, nhưng lại cực kỳ không tin tưởng nhau. Rõ ràng, sẽ tốt hơn nhiều cả về mặt cải thiện hiệu quả kinh tế và cả quan hệ chính trị nếu Trung Quốc được đưa vào TPP.
Kim Dung