Đàm phán TPP có thể kết thúc hôm nay

Sau gần một tuần lễ họp kéo dài hơn dự kiến và liên tục làm việc thâu đêm, các bên đã đạt được thỏa thuận quan trọng về bảo hộ độc quyền dược phẩm – trở ngại lớn nhất và gần như là cuối cùng trước khi 12 nước có thể ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Reuters trích thông tin từ Kyodo News cho biết Mỹ và Australia đã đạt thỏa thuận về thời hạn bảo hộ độc quyền dược phẩm là 8 năm. “Mọi thứ cho thấy chúng ta có thể kết thúc thỏa thuận được rồi”, hãng tin dẫn lời một nguồn tin thân cận cho biết.

info-0-6459-1444011122.jpg

Quá trình đàm phán TPP đang đi đến những giờ khắc cuối cùng. Chi tiết

Mỹ hiện áp dụng thời hạn bảo hộ sở hữu trí tuệ với dược phẩm trong nước là 12 năm, với nhiều loại thuốc như Avastin trị ung thư. Vì vậy, họ ban đầu đề xuất thời hạn này trong TPP là 8 năm. Trong khi đó, Australia và một nhóm nước khác chỉ chấp nhận không quá 5 năm, do lo ngại chi phí chăm sóc y tế tăng cao.

Bảo hộ dược phẩm là nút thắt cuối cùng của 12 quốc gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cuộc họp của các Bộ trưởng Thương mại lẽ ra là 2 ngày theo dự kiến, nhưng đã kéo sang ngày thứ 6. Thông tin từ các đoàn đàm phán New Zealand, Canada cho biết nhiều khả năng kết quả cuối cùng sẽ được công bố hôm nay.

Buổi họp báo công bố kết quả đàm phán TPP dự kiến vào 3h sáng nay (giờ Việt Nam) đã liên tục bị hoãn lại để chờ các nước hoàn tất đàm phán. Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản – Akira Amari cho biết họ có thể công bố một thỏa thuận “trên nguyên tắc” trong hôm nay. Trao đổi với báo giới Nhật, ông nhận xét các cuộc nói chuyện đã có “tiến triển lớn”. Họ đã tìm ra giải pháp cho nút thắt chính – bảo hộ dược phẩm, vốn đã gây chia rẽ Mỹ và Australia.

Hôm 3/10, Nhật Bản và Mỹ đã đạt thỏa thuận trên nguyên tắc về mở cửa thị trường ôtô và phụ tùng ôtô. Cùng tham gia các cuộc nói chuyện này còn có Canada và Mexico. Thỏa thuận được kỳ vọng giúp các hãng xe Mỹ, như GM và Ford, có 20 năm hoặc hơn được bảo hộ về thuế nhập khẩu, trước khi phải đối mặt với làn sóng xe giá rẻ từ Thái Lan và nhiều nước khác tại châu Á. Một thỏa thuận song phương khác giữa Washington và Tokyo cũng cam kết mở cửa thị trường xe tại Nhật Bản và giảm hàng rào phi thuế quan.

Dù vậy, TPP cũng sẽ giúp Nhật Bản thoải mái hơn khi nhập khẩu phụ tùng từ các nước ngoài TPP, như Trung Quốc, để lắp ráp thành xe hoàn chỉnh bán sang Bắc Mỹ. Theo đó, chỉ cần có 45% linh kiện sản xuất nội khối, xe này sẽ được miễn thuế nhập khẩu.

Do vấn đề quan trọng nhất của Nhật Bản đã được giải quyết từ hôm qua, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản – Akira Amari thúc giục các nước nhanh chóng tìm được tiếng nói chung về dược phẩm. “Tôi nói với họ là giờ không phải lúc chơi đùa. Bây giờ là thời gian đàm phán và cho thấy thiện chí”, ông cho biết.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand – Tim Groser cũng cảnh báo nếu TPP thất bại tại Atlanta, đây sẽ là mối lo ngại cho nỗ lực đoàn kết của các nước, thông qua thương mại và đầu tư. Ký được TPP, New Zealand sẽ hưởng lợi lớn nhờ thị trường sữa tại Canada, Mexico, Nhật Bản và Mỹ mở cửa. Fonterra của New Zealand hiện là hãng xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới.

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiện hiệp định này có 12 nước tham gia, trong đó có Việt Nam, chiếm 40% GDP toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Obama đang kỳ vọng TPP sẽ tạo ra nền tảng cho “các quy tắc thương mại của thế kỷ 21”, lập ra các quy tắc tiêu chuẩn cao về giao thương, đầu tư, dòng chảy dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Mục đích cuối cùng là khiến các nước ngoài TPP, đặc biệt là Trung Quốc, cũng phải tuân theo.

Hà Thu

0913.756.339