Anh được dân làng đặt cho biệt danh “Hải Kim Cương”. Gia đình có truyền thống ba đời trồng hoa, ngay từ năm 17 tuổi anh Hải đã nối nghiệp. Sau khi lập gia đình, anh được cha mẹ cho một sào đất (1.000 m2) để làm ăn riêng. Thời gian đầu anh vẫn trồng hoa cúc chùm như bao gia đình khác ở làng hoa này. Ý tưởng trồng cúc kim cương đến khi giá loại hoa này lên cao.
“Ban đầu trồng chỉ vì giá cao, nhưng gắn bó với loại hoa này suốt 10 năm nay nên đam mê từ lúc nào không biết”, anh Hải cười nói. Loại hoa này được một doanh nghiệp trồng hoa ở Đà Lạt nhập giống từ Nhật về trồng và bán. Vì là giống hoa mua bản quyền nên doanh nghiệp này không cho nông dân nhân giống đại trà và họ hủy cây giống sau mỗi mùa vụ.
Thấy hoa đẹp, anh Hải cũng mua về chưng và cắt bỏ phần bông để cấy mô nhân giống. Thời gian đầu khá khó khăn vì cấy mô rất lâu, mất 6-7 tháng mới ra được cây thịt và đến lúc thu hoạch cũng gần một năm. Nhận thấy phương án này không khả thi, anh đã thay đổi, cải tiến rút ngắn được khoảng thời gian hình thành cây thịt.
Anh Nguyễn Thanh Hải chăm sóc vườn cúc kim cương của mình. Ảnh: Trần Quỳnh. |
Với một sào đất và số vốn ít ỏi không đủ lực để trồng cúc kim cương, anh Hải phải đi làm công cho các nhà vườn khác kiếm thêm nguồn vốn. Thời gian đầu, trên mảnh đất của mình anh đầu tư trồng rau và thuê thêm bốn sào nữa trồng atiso.
Với phương pháp lấy ngắn nuôi dài, vụ trồng rau đầu anh thu được hơn 20 triệu và đầu tư dựng nhà kính, làm giàn để chuẩn bị trồng giống hoa mới. Đến năm 2004, anh trồng thử nghiệm 10.000 cây cúc kim cương xen canh với cúc chùm. Vụ đầu tiên dù không có kinh nghiệm nhưng may mắn nhờ công đoạn làm đất phù hợp nên hoa đạt 70% loại A và thu về 15 triệu đồng.
Anh Hải tiếp tục duy trì trồng thử nghiệm 10.000 cây ở mỗi vụ sau, nhưng đều thất bại, chỉ đạt 50% hoa loại A. Không lỗ vốn nhưng đối với người trồng hoa chuyên nghiệp, thì kết quả này bị xem là thất bại.
“Khó khăn không phải về giá mà là cách trồng và chăm sóc. Cúc kim cương rất dễ bị hư lá, mà cúc không có lá thì bán mất giá”, anh Hải chia sẻ và cho biết thêm, dù với kinh nghiệm 20 năm trồng và nghiên cứu về cúc cũng như thổ nhưỡng phù hợp với từng loại hoa, nhưng anh cũng phải mất 5 năm để nghiên cứu thành công cách trồng và trị được bệnh hư lá của cúc kim cương.
Theo nhà vườn giàu kinh nghiệm này, công tác làm đất rất quan trọng, cúc kim cương phù hợp nhất với đất đỏ bazan, do đó phải làm đất tơi xốp, giữ độ ẩm cao, thường xuyên bón lót và bón đủ chất vi lượng, ít sử dụng phân hóa học để hạn chế bị khô lá. Tốt nhất là nên bón bằng phân chuồng.
“Lúc đầu tôi trồng thất bại vì bón quá nhiều phân hóa học nên lá cúc bị hư hàng loạt. Trong 2 tháng đầu chong điện, đến tháng thứ ba nên ngắt điện để hoa có thể ra nụ. Một cành chỉ để duy nhất một nụ giúp cho ra hoa to hơn hoa cúc chùm”, anh Hải phân tích.
Sau khi nghiên cứu thành công cách trồng, đến năm 2010 anh Hải mới dám phát triển đại trà và chuyên canh cúc kim cương. Từ việc đi thuê 4 sào đất, đến nay anh đã mua lại chính mảnh đất này với giá 800 triệu đồng để mở rộng.
Ở Đà Lạt, cúc kim cương còn được trồng khá nhỏ lẻ, chỉ có 5 đến 6 hộ kinh doanh loại hoa này, nên với 5 sào đất, mỗi năm anh Hải trồng ba vụ hoa và cung cấp ra thị trường 250.000 cành. Với mức giá 2.800 đồng một cành, mỗi năm anh thu về hơn một tỷ đồng. Hiện nay vườn của anh cho tỷ lệ hoa loại A luôn đạt mức 70% trở lên.
Anh Hải cho biết, cúc kim cương hiện nay vẫn được thị trường ưa chuộng, thương lái mua với giá cao vì loại hoa này cho bông đơn, hoa nở to và lâu tàn. Tên gọi này cũng do chính những người nông dân ở làng hoa Thái Phiên đặt với ước mơ được mùa, được giá và có thể… mua được kim cương.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển, anh Hải ngỏ ý muốn xây dựng một thương hiệu riêng cho giống cúc kim cương và dự định mở rộng thêm 5 sào đất nữa để trồng phục vụ nhu cầu của thị trường.
Diễm Phạm