Áp lực giải chấp và tâm lý bầy đàn đẩy Vn-Index lao dốc

Hơn 3 tuần qua, Vn-Index mất gần 100 điểm. Đầu tháng 8, từ mốc 620 điểm, chỉ số sàn TP HCM hôm nay chốt phiên chỉ còn 526 điểm. Trong đó, phiên hôm nay ghi nhận là ngày ảm đạm nhất với 250 mã đỏ sàn, lực bán đè nặng thị trường. Blue-chip lao dốc hàng loạt. Những mã vốn hóa lớn như VNM, GAS, MSN, BVH, VCB và nhóm cổ phiếu các ngành: dầu khí, ngân hàng, thực phẩm, khoáng sản, địa ốc đồng loạt mất giá mạnh. 

Chứng kiến 4 phiên liền Vn-Index lao dốc, anh Hảo, nhà đầu tư ở TP HCM tiết lộ, anh thua lỗ nặng trong phiên hôm nay vì cổ phiếu dầu khí. Nhà đầu tư này nắm giữ 10.000 cổ phiếu GAS đã mua với giá 62.000 đồng nhưng hôm nay mã này lui xuống dưới 40.000 đồng. Vì vay margin nên cổ phiếu bị công ty chứng khoán liệt vào diện buộc phải bán lỗ, anh thiệt hại 200 triệu đồng.

Cũng rơi vào tình trạng bị buộc phải giải chấp, một nhà đầu tư có 100.000 cổ phiếu của công ty kinh doanh dịch vụ lỗ tới 200 triệu khi mua chứng khoán này ở mức 6.500 đồng nhưng bị giải chấp ở giá 4.500 đồng. “Từ đầu tháng đến nay chứng khoán liên tục giảm điểm nhưng đến phiên hôm nay thị trường thật sự hoảng loạn. Đà giảm quá mạnh bao trùm toàn thị trường khiến tôi phải bán giải chấp vì rơi vào diện báo lỗ”, anh nói.

Nhận xét diễn biến thị trường ngày 24/8, Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát Công ty chứng khoán ACBS, Trương Duy Khiêm đánh giá, phiên lao dốc hôm nay không chỉ có nhóm cổ phiếu nhỏ giảm giá mạnh mà ngay cả những chứng khoán chủ chốt cũng bị tác động dây chuyền. Lực bán quyết liệt hơn so với các phiên trước đó. Tính từ tháng 5 tới nay, đây là phiên mà khá nhiều nhà đầu tư bấn loạn vì chứng khoán chịu tác động từ “hỗn hợp” thông tin trong nước, châu Á cho tới Châu Mỹ.

a-tb-ap-luc-giai-chap-va-tam-l-5213-9107

Nhà đầu tư xả hàng ồ ạt, Vn-Index lao dốc mất 29 điểm, trượt xuống vùng 526 điểm khi chốt phiên ngày 24/8. Ảnh: Đ.T

“Mấy ngày qua chứng khoán châu Á, Mỹ giảm điểm mạnh. Tình hình kinh tế – chính trị giữa các quốc gia biến động, đặc biệt là ảnh hưởng của Trung Quốc khiến quyền lợi các nước trong khối va chạm nhau nên chứng khoán theo đà đó lao dốc”, ông Khiêm nói.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, thị trường thế giới vẫn khó ổn định, chứng khoán Trung Quốc còn chao đảo nên khối ngoại hoang mang đã bán ra một lực lớn khiến cho các nhà đầu tư trong nước xả hàng theo.

Đồng tình với quan điểm của ông Khiêm, Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán ở TP HCM cho biết, một nguyên nhân khác khiến thị trường mất trên 30 điểm là do có tin quỹ ETF của DB sẽ hủy niêm yết ở một số sàn giao dịch để giảm chi phí. Mặc dù đó chỉ là biện pháp kỹ thuật để giảm chi phí giao dịch cho quỹ nhưng điều này dẫn đến tâm lý sợ ETF sẽ rút vốn tại Việt Nam nên nhiều nhà đầu tư hoang mang.

Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, vị này cho hay chứng khoán Việt Nam chưa tạo cơn sốt bong bóng như Trung Quốc nên sau đợt giảm này nhiều cổ phiếu sẽ có giá hấp dẫn. Dẫu vậy, nhà đầu tư nên thận trọng vì lúc này xu hướng tăng, giảm rất khó đoán.

Trao đổi với VnExpress, Giám đốc Quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội, Nguyễn Việt Đức cho biết, nguyên nhân của phiên lao dốc ngày 24/8 chủ yếu vẫn do tâm lý bất an của nhà đầu tư trước những thông tin không mấy tích cực cả trong lẫn ngoài nước.

Ông Đức phân tích, bất an trong nước là nỗi lo ngại về tỷ giá USD đang tăng, tin đồn một số ngân hàng, đại gia bị điều tra. Tình trạng cổ phiếu bị bán mạnh cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang xuống thấp. Đây là tác động có tính chất bầy đàn, gây hiệu ứng domino nên khó tránh khỏi tình trạng tháo chạy hàng loạt, ngay cả các mã vốn hóa lớn cũng bị bán sàn. Đồng thời tác động của việc giải chấp (nhà đầu tư sử dụng margin (vay) để mua chứng khoán và bị báo động ở ngưỡng lỗ) âm ỉ trong mấy ngày qua vẫn chưa dứt.

Trong khi đó, bất an từ bên ngoài, theo ông Đức, cũng đang tác động rất nhanh đến thị trường chứng khoán và sức ảnh hưởng cũng dai dẳng. Đó là sự chậm trễ trong tiến trình đàm phán TPP, giá dầu thế giới vẫn tiếp tục giảm, khối ngoại (đa số là các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là quỹ ETF) xả hàng để dịch chuyển vốn, động thái FED (Ngân hàng Trung ương Mỹ) xem xét tăng lãi suất, dư chấn của cú sốc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ.

Ông Đức đánh giá, hiện nay thị trường chứng khoán đã phẳng hơn so với giai đoạn trước năm 2007, tức là sức ảnh hưởng của thông tin trong – ngoài nước gần như ngang ngửa nhau, cá biệt tin đồn cũng có sức ảnh hưởng ghê gớm không thua gì tin chính thống. Dù nhà đầu tư đã có nhiều kinh nghiệm và thông minh hơn nhưng tác động tâm lý bầy đàn vẫn như cũ.

Phiên ngày 24/8 thị trường lao dốc trong bối cảnh tin tốt đến chậm và có dấu hiệu phai nhạt dần (nới room và TPP). Tin xấu, dù chưa tác động ngay tức thì (tỷ giá tăng) hay chỉ là những tin đồn chưa kiểm chứng (ngân hàng, các đại gia bị điều tra) vẫn khiến nhà đầu tư chọn giải pháp an toàn hơn là mạo hiểm. Theo đó, họ giảm tỷ lệ nắm giữ hoặc bị buộc phải giải chấp để cắt lỗ sau 4 phiên thị trường điều chỉnh trong hoảng loạn. 

Chuyên gia này cho rằng, Vn-Index chốt phiên ngày 24/8 ở vùng 526 điểm vẫn chưa phải là ngưỡng an toàn, bởi lẽ cuối ngày lượng hàng cần bán trên HOSE vẫn còn lớn và áp lực xả hàng chưa có dấu hiệu giảm, nhiều khả năng nguồn hàng tồn đọng này sẽ tiếp tục bị bán ra trong phiên kế tiếp. “Do đó, ngưỡng an toàn và phù hợp để mua vào của Vn-Index là 500-510 điểm”, ông Đức nói.

Hà Thanh – Hồng Châu

0913.756.339