Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt game online

Thảo luận tại Thường vụ Quốc giữa tuần này về dự luật sửa đổi bổ sung một điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết trong quá trình thẩm tra dự luật, cơ quan này nhận được nhiều kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung mặt hàng kinh doanh game online, nhất là đối với loại game bạo lực, game gây nghiện cho người trẻ…

Lý do được đưa ra rằng đây là loại hình dịch vụ có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác do đó luồng ý kiến này đề xuất Chính phủ cần có các giải pháp để quản lý, ngăn chặn game online có hại từ khu vực ngoài lãnh thổ xâm nhập vào. Tuy nhiên, theo ông Hiển, cũng có ý kiến trong cơ quan thẩm tra lo ngại việc áp thuế sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài bởi hiện sản phẩm trò chơi sản xuất trong nước chưa phát triển để thay thế được nguồn trò chơi có nguồn ngoại nhập.

gmo-tien-kiem-0-9409-1411708578.jpg

Game online bị đề xuất đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng một khi đã xác định được game nào gây bạo lực, gây nghiện thì phải cấm luôn chứ không nên cho phép để rồi đưa vào diện đánh thuế. “Vấn đề là chúng ta chưa xác định, thẩm định được rõ tác hại cụ thể từng loại game online nên mới cần áp thuế”, ông Dũng nói.

Tuy vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tỏ ra thận trọng khi nói rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game online cần có đánh giá thêm, chưa nên đưa ngay vào luật sửa đổi trình Quốc hội kỳ họp tới.

Chủ trì phiên thảo luận, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đa số ý kiến trong thường vụ đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tờ trình trước đó của Chính phủ không có phương án đánh thuế với loại hình này.

Trong khi đó Chính phỉ chỉ đề xuất phương án lộ trình tăng thuế suất đối với thuốc lá từ ngày 1/1/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 1/1/2019 tăng thêm 5%. Đối với bia, mức thuế áp dụng từ 1/7/2015 tăng từ 50% lên 55%, từ ngày 1/1/2017 tăng thêm 5% và từ 1/1/2018 tăng lên mức 65%.

Thuế suất mặt hàng rượu cũng điều chỉnh tăng: từ 20 độ trở lên tăng từ 50% lên thuế suất 65% (áp dụng thuế suất như rượu từ 40 độ trở lên đã thực hiện trước ngày 1/1/2010); rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%).

Đồng ý về mức thuế suất, song cơ quan thẩm tra lại đề nghị thay đổi lộ trình tăng. Cụ thể, với thuốc lá, tăng từ 65 lên 70% áp dụng từ 1/1/2016 đến 31/12/2017 thay vì đến ngày 31/12/2018); từ ngày 1/1/2018 tăng lên 75%. “Hiện nay tình trạng buôn lậu thuốc lá đang ngày càng gia tăng, công tác phòng chống chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh trong nước. Để tránh gây tác động lớn đến hoạt động sản xuất, thì lộ trình và mức tăng thuế như đề xuất trên là hợp lý”, báo cáo thẩm tra nhận xét.

Đối với bia, cơ quan thẩm tra lại đề nghị lùi thời hạn điều chỉnh thuế suất so với tờ trình của Chính phủ. Theo đó, thời điểm thi hành từ ngày 1/1/2016, thay vì bắt đầu từ 1/7/2015. Từ năm 2016 tăng từ 50% lên 55%; đầu 2017 tăng thêm 5%; đầu 2018 tăng lên mức 65%. “Lộ trình này nhằm giảm việc lạm dụng bia gây tác hại đến sức khỏe người dân và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thời gian để ổn định sản xuất, điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách hợp lý”, ông Hiển nói

T.Đức

0913.756.339