Sau 3 ngày phá giá liên tiếp, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã tăng nhẹ giá nội tệ so với USD trong phiên cuối tuần. Họ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục can thiệp để ngăn đồng tiền này biến động quá mạnh.
Dù vậy, giá NDT giao ngay tại Trung Quốc gần như không thay đổi so với hôm thứ 5, tại 6,4003 NDT đổi một USD. Đồng tiền này đã giảm tổng cộng hơn 3% trong tuần. Theo Bloomberg, động thái của Trung Quốc sẽ có nhiều tác động lên thế giới, cả tích cực và tiêu cực.
1. Những kẻ thua cuộc
– Các hãng hàng không Trung Quốc
Hầu hết nợ của các hãng bay Trung Quốc đều là bằng USD. Vì thế, nội tệ yếu sẽ làm tăng chi phí trả nợ và sụt giảm lợi nhuận của các công ty này.
Cổ phiếu China Southern Airlines đã giảm 18% trên sàn Hong Kong ngày 11/8 – mạnh nhất từ năm 2001. Trong khi đó, China Eastern Airlines cũng chịu chung số phận với mức giảm 16% – lớn nhất 7 năm qua. Giá NDT cứ giảm 1%, lợi nhuận hằng năm của China Southern sẽ mất khoảng 767 triệu NDT (121 triệu USD), báo cáo tài chính 2014 của hãng này ước tính.
– Các thương hiệu hàng tiêu dùng coi Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai
Apple là một trong các công ty có nguồn thu lớn từ Trung Quốc. Ảnh: Tech Journal |
Cổ phiếu Apple đã giảm 5,2% ngày 11/8 – mạnh nhất từ tháng 1/2014. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ iPhone lớn thứ hai của hãng này nửa đầu năm nay. NDT yếu đi có thể khiến Táo Khuyết phải tăng giá hoặc chấp nhận lợi nhuận và tăng trưởng giảm sút.
Cổ phiếu hãng sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ – Swatch Group cũng mất 3,6% hôm thứ Ba. 37 % doanh thu họ tới từ Trung Quốc.
– Các công ty sản xuất hàng xa xỉ châu Âu
Là đối tác thương mại lớn của Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và tầng lớp trung lưu nước này đã mang lại lợi ích không nhỏ cho các thương hiệu cao cấp tại đây. NDT yếu đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc càng khó mua ôtô Đức, đồng hồ Thụy Sĩ hay túi xách Pháp, do giá cả cao lên.
Cổ phiếu của BMW, với 19% doanh thu từ Trung Quốc năm 2014, đã giảm 4% hôm thứ Ba. Cổ phiếu LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton cũng mất 5,4% hôm đó. Năm ngoái, các quốc gia châu Á (trừ Nhật Bản) đóng góp khoảng 29% doanh thu cho các hãng sản xuất hàng xa xỉ.
– Các công ty sản xuất hàng hóa
NDT yếu sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Cổ phiếu Vale – hãng sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, đã mất 5,1% trên sàn chứng khoán Sao Paulo (Brazil). Trung Quốc chiếm 37% doanh thu của Vale trong quý II. Năm ngoái, nhập khẩu của Trung Quốc cũng đóng góp tới 35% doanh thu hãng khai mỏ BHP Billiton và 38% doanh thu Rio Tinto.
– Tiền tệ các nước châu Á
Hai ngày trước, tất cả các đồng tiền lớn của châu Á đều giảm do lo ngại nhân dân tệ yếu sẽ buộc giới chức nước họ hạ giá tiền tệ theo để cạnh tranh hàng xuất khẩu. Dù vậy, từ sau 12/8, mức giảm đã chậm lại và dần ổn định.
2. Người chiến thắng: Các hãng xuất khẩu Trung Quốc
Các nhà xuất khẩu địa phương nói chung đều được hưởng lợi từ sự giảm giá của NDT. Đặc biệt là các công ty có lợi nhuận lớn từ nước ngoài, như Lenovo hay Tập đoàn Sản xuất Máy móc Trung Quốc.
Dong Yang – Tổng thư kí của Hiệp hội Sản xuất Ôtô Trung Quốc cho biết xuất khẩu ôtô đã chậm lại những năm qua, do yen Nhật và won Hàn Quốc yếu đi, khiến họ có lợi thế về giá. Yin Tongyue – Chủ tịch Chery Automobile – Tập đoàn xuất khẩu ôtô lớn nhất Trung Quốc, cho biết ông ủng hộ NDT yếu, bởi việc này có lợi cho doanh thu ở nước ngoài của công ty.
Các hãng sản xuất dệt may và quần áo cho thị trường nước ngoài cũng sẽ được hưởng lợi. Cổ phiếu một số hãng như Huafang, Li&Fung đều tăng hơn 5% trong phiên 11/8.
Ngọc Anh (theo Bloomberg)