– Việt Nam vừa hoàn tất việc ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU). Ông đánh giá như thế nào về cơ hội của hàng Việt với FTA này?
– EEU gồm 5 quốc gia là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyztan, với dân số trên 182 triệu người, tổng GDP khoảng 2.200 tỷ USD (năm 2014). Đây là khối thị trường có tiềm năng rất lớn.
Những năm qua, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước thuộc EEU có nhiều bước tiến khả quan. Tuy nhiên, tổng kim ngạch thương mại hai chiều còn ở mức khiêm tốn, đạt 4 tỷ USD vào năm 2014, chiếm1,34% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và chưa tới 0,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối.
Khi FTA với EEU có hiệu lực vào 2016, nhiều mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giầy, đồ gỗ, thủy hải sản, thực phẩm chế biến… sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá, do được hưởng ưu đãi thuế suất, nhiều trường hợp ở mức 0%. Đây là điều chưa từng có từ trước tới nay và cũng là cơ sở để kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên có thể đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020. Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này cũng sẽ tăng 18-20% hàng năm.
Đáng lưu ý, nhiều mặt hàng của hai bên có tính bổ trợ cho nhau, việc tăng cường hoạt động thương mại với EEU sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường và đối tác thương mại. Điều này cũng góp phần giảm mức độ phụ thuộc vào một số thị trường có độ nhạy cảm và tính bấp bênh cao như hiện nay.
Theo lãnh đạo Cục xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu cần hoàn thiện năng lực cạnh tranh để tận dụng cơ hội mà FTA đem lại. |
– Trong EEU, Nga được xem là đối tác lớn nhất và cũng có quan hệ truyền thống với Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về thị trường này?
– Dù là bạn hàng lâu năm song thời gian qua, thuế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào Nga luôn ở mức rất cao. Cộng thêm với các vấn đề về chi phí vận chuyển cùng các biến động tỷ giá… nên hợp tác thương mại giữa Việt Nam với Liên bang Nga vẫn còn rất khiêm tốn.
Do vậy, với Hiệp định thế hệ mới Việt Nam – EEU có độ mở cao, chú trọng hài hòa lợi ích giữa các bên, tôi cho rằng thời gian tới, tác động đối với thương mại của hai nước sẽ là tích cực.
Trong đó, Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu sang Nga những mặt hàng ưu tiên và ngược lại, phía bạn cũng có điều kiện thuận lợi để đa dạng hàng hóa cho thị trường Việt Nam, nhất là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất đối với nhiều ngành công nghiệp.
– Ngoài thuế suất, những khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp Việt gặp phải khi tiếp cận thị trường Nga là gì, thưa ông?
– Thị trường Nga dù có nhu cầu lớn với hàng Việt, song cũng không dễ tiếp cận. Trong các tháng đầu năm 2015, tình hình xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang Nga gặp khó khăn, trong đó nổi cộm là các mặt hàng nông thủy sản.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn do đồng rúp Nga mất giá và biến động mạnh so với USD, lãi suất cho vay cao… làm cho giá thành nhập khẩu hàng hóa vào Nga tăng mạnh. Trong khi đó, doanh nghiệp Nga thiếu vốn, kinh doanh không có lãi và sức mua trong nước giảm mạnh nên đã hạn chế tối đa việc nhập khẩu từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, một trong những trở ngại phổ biến khác là nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa kết nối được với những đầu mối giao dịch thương mại uy tín, ổn định ở thị trường này để phát triển hệ thống phân phối hàng hóa. Khoảng cách vận chuyển giữa Việt Nam và Nga khá xa khiến chi phí vận tải cao.
Ngoài ra, vấn đề thanh toán cũng không thuận lợi như với các thị trường khác, do các doanh nghiệp nước bạn có thông lệ trả chậm nên nếu có tranh chấp xảy ra, phía Việt Nam sẽ có khả năng phải gánh chịu rủi ro. Những quy định nhập khẩu và việc áp dụng khó hiểu các quy định này của nước sở tại đối với một số mặt hàng cũng gây khó cho doanh nghiệp trong nhiều trường hợp.
– Vậy doanh nghiệp Việt cần làm gì để vừa tận dụng các cơ hội đưa hàng hóa thâm nhập, vừa có thể tránh những rủi ro tại thị trường này?
– Để tận dụng được những hành lang thông thoáng do FTA tạo ra, trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam cần hoàn thiện năng lực cạnh tranh để chuẩn bị sẵn sàng cho những đòi hỏi của thị trường, tận dụng tối đa các cơ hội ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tích cực tìm hiểu để nắm được văn hóa kinh doanh của người Nga, học tập và nâng cao trình độ tiếng Nga. Cùng đó, doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các quy định và cam kết của hiệp định để có thể thụ hưởng một cách hiệu quả ưu đãi mà chúng ta đã cố gắng đạt được thông qua đàm phán.
Việc khảo sát kỹ lưỡng các tuyến đường, phương tiện vận tải và kho tàng bến bãi để đảm bảo có chi phí cạnh tranh thấp nhất, giảm thiểu những tác động bất lợi của vấn đề khoảng cách địa lý với thị trường Nga cũng cần tính đến.
Về khâu khâu thanh toán song phương, doanh nghiệp nên liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng Việt Nam, tìm hiểu kỹ những dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt là Dự án thanh toán bằng đồng nội tệ của Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB), để giải quyết những khó khăn trong khâu thanh toán hiện nay.
Về phía Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan cũng đã có sự chuẩn bị với nhiều chương trình, hoạt động để tích cực triển khai công tác tuyên truyền phổ biến kết quả hiệp định cũng như xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp.
– Cục Xúc tiến thương mại có kế hoạch cụ thể gì để hỗ trợ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam tại Nga trong thời gian tới?
– Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước sớm đón đầu các cơ hội từ hiệp định, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tập trung triển khai một loạt các chương trình xúc tiến thương mại quan trọng với thị trường Nga.
Tháng 9 tới, Cục sẽ tổ chức hai sự kiện gồm: đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Triển lãm Quốc tế Thực phẩm Matxcơva và Diễn đàn doanh nghiệp và giao thương Việt Nam – Liên bang Nga. Hoạt động này nhằm mục tiêu quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu Việt, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam. Đồng thời, quy tụ đông đảo doanh nghiệp hai nước trong nhiều lĩnh vực để trao đổi về các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Tháng 11-12, Hội chợ-Bán hàng Việt Nam chất lượng cao Matxcơva 2015 sẽ diễn ra tại Tổ hợp Đa chức năng Hà Nội- Matxcova. Đây là hoạt động được tổ chức nhằm quảng bá giới thiệu các mặt hàng tiêu dùng Việt Nam chất lượng cao đến doanh nghiệp và người tiêu dùng tại Nga.
Sự kiện được kỳ vọng sẽ tạo cầu nối hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp hai nước ở nhiều nhóm mặt hàng, thúc đẩy việc mở rộng các kênh phân phối, nhất là các kênh phân phối đã được thiết lập bởi cộng đồng Việt kiều tại Nga cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường nước sở tại.
Thành Tâm