Vụ thu hoạch vải giữa tháng 6 này, hơn 250 điểm cân tại thị trấn Chũ và các xã lân cận lại hoạt động hết công suất để thu gom vải cho các thương lái Trung Quốc. Thay vì trực tiếp giao dịch, hầu hết thương lái đều thuê người địa phương làm đại diện, đảm nhiệm các khâu từ chọn vải, cân, trả tiền…
Có thâm niên làm nghề “chỉ vải” khoảng 6 năm, anh Vi Văn Tân (thị trấn Chũ) cho biết nhờ có kinh nghiệm đóng hàng nhiều năm cho thương lái, anh đã được ông chủ tin cậy, giao tuyển lựa trực tiếp và thu mua. Công việc bắt đầu từ đầu sáng sớm, khi những người trồng chở hàng đi rao bán. Ưng mắt sọt nào, người làm nghề “chỉ vải” mất vài giây phân loại mã hàng, định giá. Nếu bên bán đồng ý, anh sẽ ghi phiếu vào điểm cân.
“Làm nghề gì cũng cần bí quyết. Với việc chỉ vải, quan trọng nhất là con mắt tinh nhanh, nhìn màu quả có thể đánh giá kỹ thuật chăm sóc của nhà vườn, hay không cần thử phải biết vải có đúng tiêu chuẩn hay không. Nói thì dễ, nhưng tùy nhãn quan, thẩm mỹ từng người, quan trọng không kém là có kinh nghiệm”, anh nói.
Tại vùng vải Lục Ngạn, có những nghề, dịch vụ đặc thù và cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày . Ảnh: Giang Huy |
Theo anh, tại vùng vải, hiện không ít người cùng nghề, thậm chí mỗi điểm cân luôn có 1-3 người chỉ vải. Hàng đẹp tùy thuộc yêu cầu mỗi chủ, nhưng thương lái Trung Quốc thường cần quả to vừa phải, màu đỏ rực và gai lỳ. Dù vậy, chỉ vải không phải là nghề mà ai ở vùng vải cũng có thể làm. Số người biết chọn nhanh một mã hàng đẹp, hợp chuẩn thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bình quân mỗi ngày anh “vẫy” được 120 sọt hàng, tương đương 1,2-1,3 tấn quả. So với đóng hàng, anh cho biết chỉ vải nhàn hơn, cho thu nhập khá từ 500.000 đồng đến một triệu đồng một ngày.
Dù có công việc chính là nhân viên bán hàng, song do người nhà có điểm thu mua vải, 2 năm nay, cứ đến vụ thu hoạch chị Lưu Thị Hạnh (Tân Thành, Quý Sơn) lại ra điểm cân gọi hàng. Chị cho biết hàng tiêu thụ nội địa chỉ cần vải xô, tiêu chuẩn mã hàng không cao như xuất Trung Quốc, nên chỉ vải cũng dễ dàng hơn. Quan trọng nhất, là sự tin tưởng.
“Hầu hết những người được thuê làm chỉ vải nếu không phải họ hàng của với chủ thì cũng có uy tín rất lớn đối với các thương lái người Trung Quốc. Do vậy, rất khó nhìn thấy chủ hàng tại các điểm thu mua, thậm chí, nhiều thương lái Trung Quốc chỉ cần chuyển tiền sang cho đại diện, và họ sẽ nhận xe hàng tại bên kia cửa khẩu”, chị cho hay.
Theo chị, giá vải lên xuống trong ngày đều do thị trường, song những người chỉ vải mới là tác nhân điều phối giá cho chủ và người bán. Chị dẫn chứng, có thời điểm giá là 24.000 đồng một kg, nhưng người chỉ vải thiếu trách nhiệm mua vào 25.000 đồng cho nhanh đủ hàng. Một ngày cân được14 tấn thì tiền chênh một giá này cũng khá lớn và thương lái là người chịu thiệt.
“Đầu vụ như hiện nay hàng còn ít, vào chính vụ nắng nóng, đông đúc, nhiều khi đứng chỉ vải nhưng mắt hoa lên nhầm lẫn là không tránh khỏi. Do vậy, các chủ hàng rất quan tâm đến sức khỏe cho những người chỉ vải như sắm mũ nón, đồ uống giải nhiệt…”, chị cho hay. Cũng theo Hạnh, tuy là công việc thời vụ song việc kiếm được 15-20 triệu đồng trong mùa vải kéo dài khoảng hơn một tháng là điều hoàn toàn có thể.
Tranh thủ thời gian nghỉ hè, chị Nguyễn Thị Ánh, giáo viên một trường tiểu học tại xã Quý Sơn nhận làm đại diện thu mua cho một doanh nghiệp phía Nam. Công việc của chị chỉ ngồi nhìn cân, mặc cả số cân trừ lùi (một tạ trừ 5-10kg) và thanh toán tiền cho người bán.
“Nôm na công việc giống như người điều phối hàng cho ông chủ. Cũng không vất vả như cửu vạn, nhưng việc cân đối số lượng và chất lượng quả trong ngày cũng cần tính toán. Nếu người cân với chỉ hàng không cùng nhãn quan về mã hàng cũng rất khó kết hợp để làm”, chị chia sẻ.
Với mức lương được trả là một triệu mỗi ngày, chị cho biết thu nhập trong vụ vải khoảng 30-45 triệu đồng tùy thuộc lượng vải ông chủ thu mua vải sớm hay kéo dài hết vụ.
Tại vùng vải, không ít gia đình cũng có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ cho thuê địa điểm thu mua. Có một ki ốt 40m2 để bán tạp hóa trên tuyến đường chính dẫn vào thị trấn Chũ, đến vụ vải, anh Ngô Duy Lợi tại Tân Thành (Quý Sơn) lại nghỉ bán để cho thương lái thuê mặt bằng làm điểm thu mua.
Khác mọi nơi, giá thuê tại đây không tính m2 mà theo từng kg vải trong ngày. “Tại điểm nhà mình mỗi kg vải là 200 đồng, trung bình mỗi ngày điểm cân 1,2-1,3 tấn nên tiền thuê là 2,5 triệu đồng bằng doanh thu cả tháng bán tạp hóa”, anh cho biết.
Trong khi đó, tại thị trấn Chũ, nhất là khu vực ngã ba, ngã tư-đầu mối giao thông đi đến các xã trồng vải, với những mặt bằng rộng có thể đóng hàng vào thùng xốp luôn, giá thuê có thể lên đến 300 đồng mỗi kg.
“Tiền thuê nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng hàng gom được trong ngày của thương lái. Bình quân mỗi ngày, một điểm cân thu mua trên 15 tấn quả. Do đó, chỉ riêng cho thuê mặt bằng, dân có thể kiếm được 3-4 triệu đồng mỗi ngày”, một chủ cho thuê điểm cân tại ngã ba Nghĩa Hồ cho hay.