Ngân hàng làm thuê ‘không công’

Hai vợ chồng chị Thanh làm việc cho công ty nước ngoài và rất hay đi công tác. Do đó, việc đóng tiền điện, nước, internet hàng tháng luôn bị trễ hạn nên thường bị nhà đèn và nhà mạng nhắc nợ, có khi bị dừng cung cấp dịch vụ. Khoảng hai tháng nay, vợ chồng chị quyết định đến ngân hàng đăng ký dịch vụ thu hộ các loại tiền điện, nước và internet tự động. “Giờ chúng tôi tha hồ đi công tác mà không lo ở nhà sẽ bị cắt điện”, chị Thanh bộc bạch.

Đây cũng là xu hướng chung đối với nhiều gia đình mà các thành viên đều đi làm giờ hành chính và không tiện ghé các điểm thu tiền để thanh toán cước dịch vụ.

Nắm bắt được nhu cầu này, các ngân hàng đã không ngần ngại nhập cuộc. Ở Việt Nam, các dịch vụ hiện đại như Internet Banking, Mobile Banking lần lượt ra đời từ năm 2004 và 2010 đi kèm với các tiện ích như thanh toán hóa đơn điện, nước, cước viễn thông, học phí và mới đây là thu hộ ngân sách khiến tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt giảm từ trên 20% năm 2004 về còn khoảng 12% hiện nay.

Internet-Banking-4479-1411502377.jpg

Khách hàng có thể dễ dàng đóng tiền điện, nước… thông qua dịch vụ Internet Banking của các ngân hàng.

Ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cho biết, nhà băng ông triển khai các dịch vụ thu hộ tiền điện nước, Internet… từ năm 2006, thông qua hai hình thức là thu tại các quầy giao dịch và qua dịch vụ ngân hàng điện tử.

Với hình thức thanh toán tại quầy, khách hàng có thể nhận ngay hóa đơn sau khi giao dịch (loại hình này không khuyến khích). Với hình thức thanh toán qua Internet Banking và Mobile Banking, khách hàng có thể truy vấn thông tin hóa đơn tiền điện và thực hiện thao tác thanh toán trực tuyến mọi lúc mọi nơi một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.

Vị lãnh đạo Vietcombank cho biết, trong thời gian đầu triển khai, ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn. Một mặt là các nhà cung cấp dịch vụ họ vẫn còn quản lý theo diện phân tán khiến ngân hàng khá vất vả trong việc kết nối dịch vụ. Mặt khác, khách hàng chưa có thói quen thanh toán qua các dịch vụ ngân hàng điện tử.

Nhưng gần đây thì tình hình hoàn toàn khác. Ông Tuấn cho biết, khách hàng đã quen dần và chuyển sang sử dụng các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking nhiều hơn. Các nhà cung cấp dịch vụ điện, internet… cũng đã thay đổi cách quản lý, dồn về một đầu mối thống nhất giúp ngân hàng dễ dàng kết nối và triển khai các dịch vụ thu hộ này.

Theo đó, Phó tổng Vietcombank cho hay, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ thu hộ của ngân hàng liên tục tăng lên qua từng năm. Hiện nay có khoảng 40-50% tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng được sử dụng để thanh toán các loại tiền điện, nước, internet và thuế phí…

“Đặc biệt, một, hai năm trở lại đây, các cơ quan thuế, hải quan cũng tăng cường kết nối chặt chẽ với ngân hàng để triển khai dịch vụ thu hộ ngân sách khiến các ngân hàng càng chú trọng hơn đến mảng này”, ông nói.

Mảng dịch vụ thu hộ thuế phí này dù xuất hiện muộn hơn so với thu cước internet, điện, nước… nhưng cũng thu hút được khá nhiều ngân hàng tham gia. Ngoài những cái tên quen thuộc của các ngân hàng nội như Agribank, VIB, VPBank, MHB, LienVietPostBank, OCB, Vietinbank… còn xuất hiện cả ngân hàng ngoại như ANZ.

“Công nghệ kỹ thuật số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng và chi phối cách thức hoạt động cũng như hỗ trợ khách hàng. Việc triển khai giải pháp nộp thuế điện tử chính là bước tiến tiếp theo của nhà băng trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, Ông Aseem Goyal, Giám đốc khối Tài trợ thương mại và quản lý dòng tiền của ANZ cho biết.

Tại Ngân hàng Đông Nam Á, đại diện nhà băng cũng cho biết ngân hàng ông gia nhập “làn sóng” thu hộ các loại tiền điện, nước, internet, điện thoại…cho khách hàng cách đây 5 năm, và nhìn nhận, tiềm năng của mảng này là rất lớn. Vì thời gian tới, nhu cầu sử dụng Internet Banking và Mobile Banking được đánh giá là gia tăng rất mạnh theo đà phát triển của các thiết bị di động thông minh, nên số người tham gia thanh toán các loại tiền điện, nước, internet và thuế, học phí… cũng sẽ tăng cao.

Ông phân tích thêm, giải pháp thu hộ này giúp giảm thiểu đáng kể thời gian, chi phí cho khách hàng và cả nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, nó góp phần giảm thiểu chi phí cho nhân viên thu cước, các điểm thu cước. Cùng với đó, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp tránh được các rủi ro xảy ra với các khoản tiền công ty thu được từ khách hàng như: mất tiền, tiền giả…

Một lãnh đạo của trường Đại học kinh tế TP HCM cho biết, hiện tại việc thu học phí của trường ông đang được OCB triển khai thu hộ. Với dịch vụ này, sinh viên hoặc phụ huynh có thể chủ động thanh toán tiền học phí. “Đối với phía nhà trường, thu học phí qua ngân hàng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về quản lý nhân sự, kiểm đếm tiền mặt, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu những rủi ro về ngân quỹ”, ông nói.

Hiện tại, nhiều ngân hàng đang hướng tới việc cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn tự động hàng tháng nhằm giúp các khách hàng bận rộn tiết kiệm thời gian hơn nữa. Khách chỉ cần đăng ký với ngân hàng một lần, sau đó đến ngày thanh toán hóa đơn hàng tháng, ngân hàng sẽ tự động chuyển tiền thanh toán cho nhà cung cấp dịch vụ số tiền trên hóa đơn mà khách hàng không phải đến quầy của ngân hàng hoặc mỗi lần phải vào Internet hay Mobile Banking nữa.

Ngoài lợi ích cho khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ, về phía ngân hàng, các dịch vụ thu hộ này nếu phát triển mạnh cũng mang đến rất nhiều cái lợi cho nhà băng. Trước hết, theo đại diện SeABank, ý nghĩa lớn nhất là mang lại giá trị cộng thêm cho khách hàng, giúp họ hài lòng và gắn bó với ngân hàng. “Một điều rất đơn giản, trong hàng chục ngân hàng đang cung cấp dịch vụ, nếu tôi là khách hàng của nhà băng anh mà không có những dịch vụ cần thiết như thu hộ tiền điện nước… khi tôi có nhu cầu thì buộc lòng phải từ bỏ nhà băng anh để sang ngân hàng khác”, ông lý giải.

Phó tổng giám đốc Vietcombank Đào Minh Tuấn bổ sung thêm, cái được của các ngân hàng nữa là lượng tiền gửi từ tài khoản thanh toán của khách hàng tăng lên (khách hàng muốn thanh toán tiền dịch vụ, thuế phí thì phải mở tài khoản thanh toán và duy trì lượng tiền nhất định tại ngân hàng). Hơn nữa, sau khi thanh toán, lượng tiền ấy chuyển qua tài khoản nhà cung cấp cũng nằm trong ngân hàng, tức là ngân hàng huy động được nguồn vốn không kỳ hạn, lãi suất thấp.

Thêm vào đó, theo ông Tuấn, cái quan trọng nhất là dịch vụ thu hộ này (khuyến khích khách hàng thanh toán online) sẽ góp phần thay đổi thói quen dùng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Lãnh đạo một ngân hàng khác phân tích thêm, việc đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, trong đó việc thu tiền một số dịch vụ thiết yếu như điện, nước, điện thoại… qua ngân hàng còn là một trong những chủ trương, chiến lược đưa các nhà băng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ.

Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng đều thừa nhận, do thói quen thanh toán tiền tại nhà hoặc đến điểm thu cước vẫn còn lớn, trong khi dịch vụ của ngân hàng chưa thực sự phong phú để khiến khách hàng từ bỏ thói quen này.

“Trong tình hình khó khăn chung, sản phẩm dịch vụ giữa các ngân hàng không khác biệt nhiều nên cần tập trung cung cấp các dịch vụ, sản phẩm hoặc các chương trình nhằm gia tăng giá trị cho khách hàng, tăng cường kênh thanh toán không dùng tiền mặt hướng đến hội nhập kinh tế quốc tế là điều rất cần thiết mà các ngân hàng cần chú trọng thời gian tới”, ông nói.

Từ tháng 9/2014, VnExpress tổ chức Chương trình bình chọn ngân hàng điện tử yêu thích nhất tại Việt Nam – My Ebank, với sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước và cố vấn chuyên môn của Công ty Dịch vụ thẻ Smartlink. Hội đồng Chuyên môn của chương trình gồm 8 thành viên là lãnh đạo các cơ quan chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp hàng đầu về thanh toán không dùng tiền mặt 

Tất cả các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước đang cung cấp dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking cho khách hàng cá nhân tại Việt Nam đều có thể đăng ký tham gia chương trình. Dựa trên năng lực thực tế của các ngân hàng, đánh giá của Hội đồng Chuyên môn và bình chọn của độc giả, Ban Tổ chức sẽ công bố Top 5 ngân hàng được yêu thích ở từng hạng mục Internet Banking và Mobile Banking. Giải thưởng chính thức của chương trình, My Ebank sẽ được trao cho ngân hàng có tổng điểm cao nhất ở cả hai hạng mục.

Độc giả bắt đầu tham gia bình chọn trên http://myebank.vnexpress.net từ 8h00 ngày 6/10/2014 đến 24h00 ngày 2/11/2014. Hàng tuần, Ban Tổ chức sẽ quay số may mắn và tặng quà cho độc giả với trị giá mỗi phần quà tương đương 5 triệu đồng.

Lễ công bố và trao giải thưởng My Ebank 2014 sẽ diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 11.

Lệ Chi

0913.756.339