Theo HSBC, nhân tố chính dẫn đến sự cải thiện đáng kể của lĩnh vực sản xuất là mức tăng kỷ lục của số lượng đơn đặt hàng mới. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu cũng tăng, song tốc độ yếu hơn nhiều so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới.
Khi nhu cầu của khách hàng tăng lên, các nhà sản xuất đã tăng sản lượng tương ứng. Vì lý do này, sản lượng đã tăng tháng thứ 20 liên tục, với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử chỉ số. Tuy nhiên, vẫn có bằng chứng về áp lực đối với năng lực sản xuất trong kỳ khảo sát mới nhất khi lượng công việc tồn đọng đã tăng lần đầu tiên trong 5 tháng. Các thành viên nhóm khảo sát cho rằng lượng công việc chưa thực hiện tăng lên chủ yếu là do số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh.
Chỉ số PMI Việt Nam lên cao nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát (tháng 4/2011) |
Sau khi đã giảm trong suốt 6 tháng qua, chi phí đầu vào của các công ty trong ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trong tháng 5. Giá dầu và giá điện tăng, cùng với việc tiền đồng Việt Nam yếu hơn so với đôla Mỹ là những nhân tố dẫn đến tăng chi phí đầu vào. Tuy nhiên, áp lực lạm phát tương đối nhẹ nên công ty tiếp tục hạ giá đầu ra vì áp lực cạnh tranh.
Các nhà sản xuất phải tăng mua hàng hóa đầu vào để đáp ứng yêu cầu sản xuất tăng lên. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp cũng bị kéo dài thêm khi các thành viên nhóm khảo sát báo cáo mức tồn kho hạn chế tại các công ty. Sự chậm chễ trong việc giao hàng cho khách hàng đã làm tăng tồn kho hàng thành phẩm trong tháng 5, trong khi sản lượng tăng mạnh cũng được coi là một nhân tố dẫn đến tăng hàng tồn kho sau sản xuất.
Andrew Harker – chuyên viên kinh tế cao cấp của Markit nhận định nguyên nhân chính dẫn đến thành công mới đây của các công ty Việt Nam là khả năng giành được các đơn đặt hàng mới trong một môi trường cạnh tranh, và việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm giá tiền đồng 1% so với đôla Mỹ đã trợ giúp cho các nỗ lực duy trì khả năng cạnh tranh quốc tế.
Báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ hai năm gần đây (2013 là 4,9%; 2014 là 5,7%). Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ số tiêu thụ cải thiện hơn, trong khi chỉ số tồn kho tăng thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái.
Nhu cầu trong nước cũng có những biến chuyển rõ rệt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 9,1%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng tới 8,2%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2014 (tăng 6%).
Phương Linh