Trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp dược chủ yếu nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Vì vậy, các doanh nghiệp dược Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong khâu kiểm soát chất lượng và ổn định nguồn cung nguyên liệu. Trước sức ép từ chính sách kiểm soát “đầu vào” dược liệu của Bộ Y tế, quá trình sản xuất của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường, các doanh nghiệp trong nước từng bước triển khai xây dựng các vùng trồng dược liệu cho riêng mình. Tuy nhiên, do thiếu thông tin và thiếu sự chia sẻ, hợp tác, nhiều doanh nghiệp phát triển các vùng trồng cho cùng một loại dược liệu dẫn đến sự lãng phí và thiếu hiệu quả trong đầu tư.
Đại diện các doanh nghiệp dược trong cả nước đi thăm quan mô hình vườn giống đinh lăng tại Nam Định của Traphaco. |
Xác định được những vấn đề tồn tại trên giữa các doanh nghiệp trong quá trình phát triển vùng trồng dược liệu, dự án Thương mại Sinh học (BioTrade) có 4 công ty tham gia ban đầu làm cầu nối, xúc tiến sự trao đổi giữa các doanh nghiệp trong việc phát triển các vùng trồng. Đó là Công ty cổ phần Traphaco, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty TNHH Nam Dược, Công ty TNHH Hồng Đài Việt. Hoạt động nhằm tạo thành sự “chuyên canh hóa” các loại dược liệu, qua đó thúc đẩy quan hệ thương mại giữa các doanh nghiệp.
Công ty TNHH Nam Dược tập trung phát triển vùng trồng dây thìa canh, đáp ứng nhu cầu sản xuất của công ty và cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu. Công ty TNHH Hồng Đài Việt phát triển vùng trồng Diệp Hạ Châu đắng và cỏ mực, Công ty cổ phần Traphaco phát triển vùng trồng Artiso và đinh lăng, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang phát triển vùng trồng tần dầy lá… Các doanh nghiệp này hợp tác nhằm xác định thế mạnh trong phát triển dược liệu của từng đơn vị, từ đó hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng dược liệu trong cả nước, đáp ứng chất lượng theo yêu cầu của thị trường.
(Nguồn: BioTrade)