Hiện giá bán lẻ tối đa đối với xăng RON 92 vẫn ở mức 17.286 đồng một lít, trong khi mức bán ra phổ biến của các doanh nghiệp là 17.280 đồng.
Theo liên bộ, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến đã khiến giá cơ sở xăng dầu kỳ tính giá ngày 5/5 chênh với giá bán như sau: xăng RON 92 cao hơn 3.387 đồng mỗi lít, xăng E5 cao hơn 3.222 đồng mỗi lít. Dầu diesel cao hơn 322 đồng mỗi lít, mazut chênh hơn 303 đồng một lít. Chỉ có dầu hỏa là thấp hơn 258 đồng mỗi lít.
Vì vậy, sau khi quyết định tăng quỹ bình ổn với xăng từ 991 đồng lên 1.437 đồng một lít, và 1.272 đồng với xăng E5, liên bộ đồng ý điều chỉnh giá bán với xăng tăng thêm 1.950 đồng mỗi lít.
Trong khi đó dầu diesel, mazut vẫn giữ nguyên giá bán, còn dầu hỏa giảm 258 đồng mỗi lít.
Theo chu kỳ 15 ngày tại Nghị định 83, mức điều chỉnh đáng lẽ vào ngày 28/4, song do rơi vào kỳ nghỉ lễ nên cơ quan điều hành đã quyết định lùi đến ngày hôm nay.
Trước đó, vào hôm qua, Bộ Tài chính đã công bố thông tư điều chỉnh mức thuế nhập khẩu một số mặt hàng dầu, như diezel giảm từ 20% xuống còn 12% trong khi xăng RON 92 và 95 giữ nguyên mức 20%.
Các chuyên gia cho rằng động thái này cho thấy giá xăng khó giữ nguyên khi mà các doanh nghiệp đầu mối lại kêu lỗ hơn 2.000 đồng mỗi lít sau khi được trích quỹ bình ổn gần 1.000 đồng một lít.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ, Bộ Công Thương cho biết Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn đang phải chi bù giá bán trong nước gần 1.000 đồng một lít xăng.
Bắt đầu từ đầu tháng này, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được áp dụng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, dầu diesel từ 500 đồng lên 1.500 đồng/lít. Tuy nhiên, cơ quan điều hành điều này lại cho rằng điều này không ảnh hưởng tới việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vì thuế nhập khẩu với các mặt hàng này đã giảm từ 35% xuống 20% hôm 14/4 và giảm tiếp xuống còn 12% với dầu diezel hôm qua.
Từ đầu năm đến nay giá xăng, dầu đã có 4 lần điều chỉnh, trong đó 3 lần giảm và một lần tăng giá vào 11/3 với mức kỷ lục 1.600 đồng.
Chí Hiếu – Thành Tâm