Báo cáo mới nhất của CBRE về thị trường bán lẻ tại châu Á Thái Bình Dương chỉ ra ba xu hướng mới vừa hình thành và đang trở thành động lực kích cầu trong những năm sắp tới.
Xu hướng thứ nhất: Các thương hiệu cao cấp nhưng giá cả vừa túi tiền sẽ tăng dần, thúc đẩy tạo ra nguồn cầu mới. Đây là nhóm thương hiệu “cầu nối”, các nhà bán lẻ thuộc phân khúc này thường đưa ra sản phẩm chất lượng cao có tên tuổi nhưng với mức giá thấp hơn hẳn so với các thương hiệu cao cấp đứng đầu khác. Có một vài thương hiệu cao cấp đã nổi tiếng từ khá lâu trong khu vực đang đối diện với nguy cơ bị nhàm chán, khiến cho khách hàng muốn tìm kiếm sự mới mẻ, khác biệt.
Xu hướng thứ hai: Khu vực ăn uống ngay trong cửa hàng mua sắm sẽ dần lấn lướt và thay thế những mô hình đơn điệu trước đây. Một vài năm nay rất nhiều các thương hiệu thời trang cao cấp bắt đầu mở rộng lĩng vực kinh doanh bằng việc kết hợp với các ngành ăn uống. Ví dụ: nhà hàng 1921 của Gucci tại Thượng Hải, café Dior của Pierre Herme trên tầng cao nhất của cửa hàng Dior ở Seoul. Không dừng lại ở lĩnh vực thời trang, những thương hiệu này đang mở rộng kết hợp khu vực đồ ăn và thức uống vào các cửa hàng. Nhà bán lẻ chủ động tạo thêm dịch vụ mới để khách hàng kết hợp giữa mua sắm và ăn uống, thư giãn, gặp gỡ, tán gẫu cùng bạn bè.
Xu hướng thứ ba: Thời trang trẻ em cao cấp sẽ phát triển mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2014, khu vực châu Á Thái Bình Dương có khoảng 807 triệu người trong độ tuổi 14, chiếm 20% trên tổng dân số. Điều này hứa hẹn một cơ hội lớn cho sự phát triển ở phân khúc thời trang trẻ em cao cấp. Sự xuất hiện của các thương hiệu cao cấp ở phân khúc này hứa hẹn mở rộng không gian cửa hàng cho khu vực đồ chơi, nhà sách, và khu vui chơi để thu hút và giữ chân các khách hàng nhỏ tuổi.
Vũ Lê