Vừa qua, giá dừa trái trên thị trường xuống thấp, chỉ còn 35.000 đến 40.000 đồng một chục. Tuy nhiên, Công ty CP Xuất Nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) vẫn đảm bảo thu mua dừa trái của người dân với mức giá tối thiểu 50.000 đồng một chục. Tổng giá trị hỗ trợ từ tháng 6 đến tháng 8 cho các hộ dân trồng dừa gần 1,5 tỷ đồng.
Dừa được xem là loại cây trồng chủ lực tại Bến Tre với diện tích toàn tỉnh khoảng 65.000 ha. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết đầu ra cho loại trái cây này bấp bênh, phụ thuộc vào các thương lái trong và ngoài nước, đặc biệt là thương lái Trung Quốc, Thái Lan. |
Giai đoạn giữa năm 2012, giá dừa trái sụt giảm nghiêm trọng. Nếu giá dừa trái cuối năm 2011 là 140.000 đồng đến 160.000 đồng một chục thì đến tháng 6/2012, giá giảm kỷ lục xuống còn 10.000 đồng đến 12.000 đồng một chục. Trong thời điểm này, hưởng ứng kêu gọi vận động doanh nghiệp tham gia bình ổn giá dừa, Công ty CP Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (Betrimex) đã dành ngân sách 15 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân trồng dừa.
Đến năm 2013, dừa lại mất mùa dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thường xuyên bị thiếu hụt nguyên liệu và phải cạnh tranh nguyên liệu với thương lái trong nước và các thương nhân từ Trung Quốc.
Giá dừa trái trên thị trường tăng giảm thất thường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con nông dân trồng dừa trong tỉnh. Nhiều bà con phải đốn dừa chuyển sang trồng các loại cây khác. Do cuộc sống cũng không ổn định, nên sau đó người nông dân lại quay về trồng dừa. Vòng lẩn quẩn đốn bỏ – trồng mới – đốn bỏ vẫn đang tiếp diễn.
Trước thực trạng trên, nhiều câu hỏi được đặt ra là làm sao để tình trạng này không tái diễn, làm sao để trái dừa Bến Tre không bị rớt giá, bà con trồng dừa không lâm vào cảnh khốn đốn?…
Để tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến dừa trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ dừa trái. Hoạt động này nhằm giúp nông dân bán dừa với giá cả hợp lý, doanh nghiệp tiêu thụ có nguồn nguyên liệu ổn định và hướng đến phát triển bền vững. Đó là mô hình doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân trồng dừa.
Theo ông Trần Văn Đức, Tổng giám đốc Betrimex, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là tất yếu. Động thái này sẽ chấm dứt thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hạn điền thấp của bà con nông dân, giúp người trồng dừa ổn định thu nhập, doanh nghiệp chủ động nguyên liệu.
Ông Đức cho biết thêm, hiện nay, các doanh nghiệp chế biến dừa tại địa phương có thể bao tiêu tất cả dừa trái bà con trồng ra.
Những năm qua, đề án xây dựng vùng nguyên liệu, Betrimex đã nhận được sự đồng tình và hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cũng như sự đồng thuận, ủng hộ của nông dân. Đến tháng 9 năm nay, có hơn 2.000 hộ dân trồng dừa được bao tiêu với diện tích lên đến 2.000 ha. Nông dân tham gia chương trình được Betrimex đảm bảo giá thu mua theo giá trị trường, cam kết mức giá tối thiểu là 50.000 đồng một chục. Ngoài ra, nông dân còn được Betrimex hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, được thu mua dừa tại vườn, không cần vận chuyển đến điểm thu mua.
Betrimex còn triển khai và nhân rộng nhiều chương trình đồng hành cùng người nông dân, nâng cao giá trị dừa Việt như: chương trình phủ xanh vườn dừa và vườn dừa mẫu, xây dựng vùng nguyên liệu organic, đầu tư và ứng dụng công nghệ cao…
Mai Thương