Xuất khẩu nông sản dễ vỡ vì đói thông tin

Câu chuyện nông sản bí đầu ra, rớt giá, ùn ứ kéo dài nhiều tháng qua đã được đưa ra mổ xẻ tại hội nghị liên ngành Công thương – Nông nghiệp ngày 14/5. Nguyên nhân chính được các bên thống nhất là thiếu thông tin.

Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) – Nguyễn Xuân Hồng khẳng định thế giới có nhu cầu nhập khẩu rau quả nhiệt đới Việt Nam rất lớn trong khi tiềm năng của trong nước  rất dồi dào. Theo vị này,  năm 2014, toàn thế giới chi khoảng 1.000 tỷ cho các mặt hàng rau quả nhưng kim ngach xuất khẩu của Việt Nam chưa tới 1,5 tỷ USD. “Những thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… dù khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nhưng giá bán rất cao. Thanh long, chôm chôm của ta nếu vào Mỹ được có thể bán với giá gấp 10 lần thị trường Trung Quốc”, ông Hồng nói.

Tuy nhiên, theo vị này, hiện khó nhất với nông sản Việt Nàm là thiếu thông tin về thị trường. “Chúng ta chưa biết loại quả gì phù hợp với nhu cầu của nước nhập khẩu, thiếu thông tin về hàng rào kỹ thuật của họ, từ đó để quy hoạch sản xuất rau quả theo từng thị trường, vì những yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật của mỗi thị trường là khách nhau”, ông thừa nhận.

Thứ trưởng Nông nghiệp – Lê Quốc Doanh dẫn chứng, như với Trung Quốc, thương nhân chỉ ùn ùn đưa hàng về biên giới mà không nắm được còn đường tiếp theo của hàng tới đâu. Theo ông Doanh, khi nắm được họ đưa hàng về Bắc Kinh hay là Quảng Đông thì sẽ quy hoạch từng cây, mùa vụ, thời gian thu hoạch để tính toán liên thông về vấn đề thị trường sẽ tốt hơn.

Trong khi ngành nông nghiệp kêu thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu thì cơ quan quản lý lĩnh vực này là Bộ Công Thương lại than thở về việc không có đủ thông tin sản lượng các mặt hàng để điều tiết hoạt động tại biên giới.

“Vụ dưa hấu vừa rồi, Bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo sản lượng, diện tích để phối hợp với các tỉnh biên giới, tạo điều kiện thông quan, nhưng không tỉnh nào có câu trả lời. Chúng tôi phải nắm thông tin qua báo chí và kiểm tra thực tế.  Đã có sự đứt đoạn trong khâu thông tin”- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh lên tiếng.

Lãnh đạo này cho biết, bộ sẽ phối hợp, nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm cung cấp thông tin, trước tiến có thể qua điện thoại di động để lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã nắm bắt thông tin về thị trường, nhóm ngành hàng trọng điểm. Các thông tin dự báo thị trường, ngắn, dài hạn để phục vụ điều hành. Những thông tin này cũng là cơ sở để Bộ Nông nghiệp làm quy hoạch các mặt hàng nông sản.

vai-luc-ngan-3886-1431336884-3666-143161

Vải thiều đag là mặt hàng tiếp theo đối diện với nguy cơ thiếu đầu ra bị ép giá. Ảnh: Quý Đoàn

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Văn Ánh, Chủ tịch Hôi đồng quản trị Công ty xuất nhập khẩu rau quả I Hà Nội, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng đơn vị này không có kinh phí để làm công tác thị trường vì thu từ doanh nghiệp chỉ “tượng trưng” vài ba triệu. “Chúng tôi rất mong các bộ hỗ trợ 1-2 biên chế cán bộ làm công tác thị trường”, ông Ánh đề xuất.

Cũng theo ông Ánh, việc đa dạng các thị trường là điều cần thiết nhưng với những nơi được xác định vẫn là đầu ra trong dài hạn như Trung Quốc thì các cơ quản lý chỉ bằng một vài biện pháp kỹ thuật là đã tăng khả năng lưu thông hàng hóa đáng kể. Ông Ánh ví dụ: ngành giao thông đã ngỏ ý hỗ trợ giảm giá vải xuất đi Châu Âu bằng máy bay, nhưng vì mỗi chuyến chỉ chở được khoảng 10 tấn nên rất hạn chế. Trong khi đó, chỉ cần cải tạo hạ tầng khu biên mậu thì mỗi ngày khả năng số lượt xe thông quan sẽ tăng lên vài chục chuyến, tương đương hàng chục tấn vải.

“Dù mở thêm thì trong nhiều năm nữa Trung Quốc vẫn là thị trường phải nắm giữ và đẩy mạnh. Cho nên cần có giải pháp mở thêm điểm thông quan, tăng số giờ để lượng hàng đi nhiều hơn”, ông Ánh nói.

Phó cục trưởng Xuất nhập khẩu – Dương Phương Thảo thừa nhận, thị trường xuất khẩu rau quả đã lên đến 40 nước nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia tiêu thụ nhiều nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch.

Bà Thảo cho hay, chỉ trong 3 tháng đầu năm, rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt trên 130 triệu USD, tăng gần 45% so cùng kỳ, chủ yếu là thanh long (chiếm 60%), rồi đến dưa hấu…

Là địa phương trồng nhiều thanh long của cả nước, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận lo ngại sự quá phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc nên rất dễ đổ vỡ. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thanh long là nhỏ và vừa nên yếu thế, lại ít khi hợp tác mà còn tranh mua, tranh bán, gây rối thị trường, vô hình chung làm lợi cho nhà nhập khẩu.

Theo đại diên ngành Công thương Bình Thuận, riêng thị trường Trung Quốc cần xúc tiến tăng xuất khẩu chính ngạch, giảm áp lực cho biên mậu. “Nên có các văn phòng các hiệp hội ở một số thành phố trong nội địa Trung Quốc. Đồng thời cần tập huấn về cách mua bán với thương nhân nước này, chứ chơi với họ nhiều chuyện không nói trước được. Nhiều doanh nghiệp đổ nợ đã cả chục tỷ đồng chỉ vì cách làm ăn này”, ông cảnh báo.

Chí Hiếu

0913.756.339