Vụ cà phê đau buồn

Bà Thanh, người có gần một ha cà phê tại tỉnh Kon Tum than thở, từ đầu tháng 11 đến nay cà phê tại đây đã rầm rộ thu hoạch, tuy nhiên, giá lại rớt thê thảm chỉ dao động quanh 6.000-7.000 đồng một kg thay vì 9.000 đồng như năm trước.

Trong khi đó, giá nhân công tăng cao từ 200.000 lên 300.000 đồng một ngày nhưng lao động không hiệu quả, còn thuê khoán thì 100.000 đồng một tạ. Ngoài ra, chủ vườn thậm chí còn phải đổ xăng cho người lao động thì mới thuê được người.

vu-ca-phe-dau-buon

Cà phê năm nay không chỉ mất mùa mà giá còn giảm. Ảnh: MH.

“Vì nhân công quá đắt, giá cả lại sụt giảm, cộng thêm thời tiết năm nay thiếu thuận lợi khiến sản lượng cà phê giảm 30-40% nên 2 mẹ con tôi không dám thuê người vì sợ lỗ, đành tự thân vận động hái tới 20 ngày mà vẫn chưa xong”, bà Thanh nói và cho biết, nếu cộng tất cả tiền phân bón, công chăm sóc và thuê nhân công thì vụ mùa năm nay coi như mất trắng, thậm chí còn lỗ vài triệu đồng.

“Hiện gia đình tôi đang rất lo lắng vì muốn đưa cà phê đi ký gửi mà hầu hết các đại lý trước đây nhận hàng đều từ chối. Nguyên nhân theo các đại lý là giá cà phê biến động thất thường và đang nghiêng về xu hướng đi xuống nên nếu nhận ký gửi nhiều họ sẽ bị lỗ. Một số khác thì cho biết không đủ tiền để thu mua vì buôn bán những năm gần đây liên tục thua lỗ”, bà nói.

Cũng chung cảnh ngộ, ông Tuấn ở Đăk Hà (Kon Tum), sở hữu 2ha cà phê cho hay, năm nay kiếm người để ký gửi cà phê khá khó. Còn một số cơ sở nhận ký gửi thì lại nợ tiền, nên thay vì bán cà phê tươi như mọi năm thì năm nay ông đành đem phơi khô.

“Dù có phơi khô thì năm nay chúng tôi cũng vẫn sẽ bị lỗ vì nếu thời điểm này năm ngoái giá cà nhân 38.000-39.000 đồng một kg thì nay chỉ còn 32.000-33.000 đồng. Trong khi đó, một ha cà phê năm nay chỉ thu hoạch được 15-20 tấn, giảm 30% so với mọi năm. Nhiều hộ mỗi ha chỉ được vỏn vẹn 10 tấn”, ông Tuấn giải thích.

Theo tính toán của nhà vườn này, công chăm sóc và bón phân tưới tiêu, thuốc trừ sâu cho mỗi ha cà phê cả năm tốn gần 200 triệu đồng. Nếu thu hoạch được 30 tấn thì còn hòa vốn, còn dưới 30 tấn thì chắc chắn lỗ.

Khá chật vật với vụ mùa năm nay, tại các tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk giá cà phê cũng không có dấu hiệu khả quan. Những khu vực vùng sâu, vùng xa giá cà phê thu mua còn rớt xuống 3.000-4.000 đồng một kg.

Chị Hạnh, tại huyện CưM’gar (Đăk Lăk) cho biết giá cà phê tươi hiện chỉ giao động 4.500-6.000 đồng một kg. Năm nay thay vì thuê nhân công hái thì gia đình chị tự thu hoạch.

“Năm nay chúng tôi không bán tươi mà tự thu hoạch để đem về nhà phơi và xay để giảm bớt thiệt hại. Bởi giá nhân công ở đây cũng 160.000-170.000 đồng một ngày, tăng 20.000 đồng so với năm ngoái. Ngược lại, giá cà lại giảm 20% nên nếu không chịu khó là lỗ”, chị Hạnh than thở.

Chia sẻ với VnExpress.net, một doanh nghiệp xuất khẩu ở TP HCM cho biết, hiện nay việc thu mua tại công ty cũng đang chậm lại. Nếu các năm trước có dư giả tiền ứng cho các đại lý thu gom thì năm nay ngân sách giảm đi một nửa. 

“Hiện giá cà phê nhân cũng đang giao động quanh mức 34.000 đồng một kg. Nếu thu mua với số lượng nhiều mà đến cuối kỳ giá lao dốc thì công ty sẽ lỗ nặng, nên chúng tôi khá thận trọng trong thu mua”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intinmex Group đánh giá, hiện giá cà phê trong nước đang cao hơn quốc tế, nếu cho nông dân ký gửi nhiều, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ bị lỗ. Vì vậy, một số đơn vị thu mua đã thận trọng hơn. 

“Tính từ đầu năm đến nay giá cà phê liên tục lao dốc là do các quốc gia khác trên thế giới vào vụ chính và bán ra nhiều với giá cạnh tranh. Vì vậy, hàng Việt nếu không chịu hạ giá thì khó bán. Tuy nhiên, kể từ tháng 11 trở đi, chỉ có Việt Nam là vào vụ thu hoạch, nếu biết chọn thời điểm bán ra người dân và doanh nghiệp sẽ tránh được thua lỗ”, ông Nam nói, đồng thời cho hay, thời điểm này nông dân vẫn găm hàng chờ giá cho nên giá có xu hướng đi lên. Tuy nhiên, người dân cũng vẫn nên thận trọng, tránh xả hàng ồ ạt. Vì nếu bán tháo sẽ khiến giá cà phê biến động thất thường.

Trước đó, Hiệp Hội cà phê ca cao Việt Nam cũng cho biết, vụ mùa năm nay là vụ cà phê “đau buồn” không chỉ của người nông dân mà cả doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu đầu vụ cà phê nhân bán với giá 41.000 đồng một kg và xuất khẩu (FOB) 2.000 USD một tấn thì nay giảm tới 17% chỉ trong vòng 5 tháng.

8 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu chỉ đạt 873.493 tấn với kim ngạch 1,8 tỷ USD, giảm 29% về lượng và giảm 29,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, dự kiến lượng xuất khẩu 11 tháng đầu niên vụ 2014/2015 chỉ đạt hơn 1,1 triệu tấn với kim ngạch 2,5 tỷ USD, giảm 22,3% về lượng và giảm 19,8% về kim ngạch so với cùng kỳ vụ trước. Nếu cả niên vụ 2014/2015 dự kiến chỉ xuất khẩu được khoảng trên 1,2 triệu tấn, thì sẽ giảm tới 22% so với niên vụ 2013/2014 và giảm 12% so với 2012/2013.

Hồng Châu

0913.756.339