Cuối tuần qua, Vinamilk và UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết văn bản thỏa thuận khung về hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015- 2020.
Theo đó, lãnh đạo Lâm Đồng đồng ý cấp cho doanh nghiệp này 5 lô đất (mỗi lô 2.000-4.000 m2) để xây dựng 2-3 trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung theo công nghệ hiện đại, với tổng đàn khoảng 10.000 con. Đây cũng là nơi cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, thức ăn, thú y, nguồn tinh bò sữa thuần chủng… cho các hộ chăn nuôi bò sữa trong khu vực.
Trung tâm giống bò sữa hạt nhân để cung cấp con giống bò sữa Hosltein Friesian thuần chủng, năng suất cao cho nông dân cũng được triển khai song song.
Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Phát triển Vùng nguyên liệu Vinamilk và ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng giai đoạn 2015-2020. Ảnh: BH. |
Ngoài ra, Vinamilk sẽ thuê đất, đầu tư xây dựng các trung tâm thu mua, trung chuyển với hệ thống thiết bị hiện đại đảm bảo thu mua tối thiểu 90% sản lượng sữa tươi nguyên liệu cho nông dân. Cán bộ kỹ thuật sẽ hướng dẫn việc canh tác các loại cây, cỏ làm thức ăn cho bò sữa để các hộ chăn nuôi có thể xây dựng đồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh và chủ động dự trữ thức ăn ủ chua cho đàn bò.
Khi sản lượng thu mua của Vinamilk ở tỉnh đạt trên 200 tấn sữa tươi một ngày, doanh nghiệp có thể xây nhà máy chế biến sữa tại đây với công suất tương đương.
Thông qua hợp tác này, dự kiến đến năm 2020, đàn bò sữa Lâm Đồng lên 40.000- 50.000 con, sản lượng sữa tươi 180.000-200.000 tấn một năm. Hạng mục đầu tư ở Lâm Đồng dự kiến sẽ đóng góp thêm 3.000 tỷ đồng một năm vào tổng doanh thu chung của Vinamilk, từ năm 2020 trở đi.
Bên trong nhà máy sữa Mega hiện đại của Vinamilk ở Bình Dương với hệ thống rô bốt tự động. Toàn bộ nhà máy ứng dụng công nghệ tự động hóa. Ảnh: Cao Thăng |
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá, chăn nuôi bò sữa là một trong những lĩnh vực chủ lực của địa phương nhờ điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng. Hiện tỉnh có khoảng 15.000 con bò sữa, là một trong những địa phương dẫn đầu hoạt động chăn nuôi bò sữa trong cả nước. Do đó, tỉnh luôn ưu tiên và tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy ngành này phát triển nhiều hơn nữa trong tương lai.
Theo ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Phát triển Vùng nguyên liệu Vinamilk, sắp tới doanh nghiệp sẽ lên phương án đầu tư, thiết kế chi tiết, lập dự toán để có thể khởi công xây dựng vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Hiện chưa có số liệu cụ thể về tổng mức đầu tư mà Vinamilk rót cho các dự án ở Lâm Đồng trong 5 năm (2015-2020). “Vấn đề này sẽ xin ý kiến Hội đồng quản trị nhưng mức đầu tư có thể cao hơn so với giai đoạn đầu tư ở Lâm Đồng 2006-2014”, ông chia sẻ.
Hai bên thống nhất sẽ hỗ trợ người nông dân trồng thêm cỏ cung ứng cho các trang trại của Vinamilk. Ông Yên chia sẻ, thu nhập của người nông dân từ trồng lúa ở tỉnh chỉ khoảng 50 triệu một năm (cả vốn lẫn lãi) nhưng nếu trồng cỏ sẽ mang về cho họ 140 triệu đồng trên 1ha đất (thu hoạch 200 tấn cỏ một năm). Phương án lập hợp tác xã (khoảng 100 xã viên trong một hợp tác xã) cũng sẽ được triển khai. Hợp tác xã đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp, xã viên tuân theo các quy tắc chung. Điều này tạo thuận lợi trong khâu quản lý, đồng bộ trong sản xuất và quản lý.
Mai Thương