Đề xuất trên được lãnh đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản (Vinacomin) trình bày với Bộ trưởng Công Thương tại cuộc họp khôi phục sản xuất và khắc phục thiệt hại sau lũ chiều nay (6/8).
Tổng giám đốc Vinacomin Đặng Thanh Hải cho hay do ảnh hưởng của trận lũ lớn nhất 40 năm qua tại Đông Bắc, lượng sản xuất và tiêu thụ than toàn tập đoàn dự kiến giảm khoảng một triệu tấn so với chỉ tiêu đề ra, tương đương 35 triệu tấn. Trong đó, than xuất khẩu khoảng 1-1,2 triệu tấn.
Tổng doanh thu Tập đoàn dự kiến còn hơn 109.000 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch đặt ra, trong đó nguồn thu từ than chiếm gần 50%, xấp xỉ 53.000 tỷ.
Vinacomin cho biết thiệt hại sẽ còn vượt xa con số tạm tính 1.200 tỷ đồng. Ảnh: Vinacomin |
Theo ông Hải, đến nay, thiệt hại ước tính của Vinacomin tương đương 1.200 tỷ đồng bao gồm các chi phí như sản xuất đình trệ, khôi phục tuyến đường lò bị ngập, mua sắm thiết bị cơ điện hư hỏng, than trôi và sửa chữa các tuyến đường.
Trong đó, riêng với thiệt hại sản xuất, báo cáo của doanh nghiệp cho biết do ngừng hoạt động từ ngày 26/7 đến nay, sản lượng khai thác, tiêu thụ đã giảm trên 600.000 tấn. Các mỏ khắc phục nhanh cũng phải một tuần mới ổn định. Riêng mỏ Mông Dương phải hết tháng 10 mới có vài lò đi vào hoạt đông lại.
Để giảm bớt khó khăn và sớm ổn định sản xuất, ông Hải nói rằng “Vinacomin chỉ xin cơ chế, không xin tiền”. Trong đó đáng chú ý là một số đề xuất liên quan đến các khoản thuế phí.
Tập đoàn kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ, Quốc hội xin giảm thuế tài nguyên với sản phẩm than về mức 5-7% cho than hầm lò và than lộ thiên (hiện đang ở mức từ 10-12%).
Doanh nghiệp đề nghị gia hạn nộp thuế hai năm với công ty mẹ và đơn vị thành viên bị thiệt hại vật chất do mưa lũ; miễn tiền chậm nộp thuế trên số tiền còn nợ tại thời điểm xẩy ra thiên tai.
Vinacomin cũng xin giãn nộp phí sử dụng tài liệu thăm dò và tiền cấp quyền khai thác hai năm, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
Lãnh đạo Tập đoàn cho hay hiện có đến 30.000 lao động phải ngừng làm việc sau mưa lũ nên kiến nghị Chính phủ có chính sách tháo gỡ khó khăn về tiền lương và trợ cấp để giữ người lao động ở lại.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, tinh thần của Chính phủ mà Thủ tướng cho biết tại cuộc họp hôm qua với Tập đoàn là hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp khắc phục khó khăn, sớm ổn định sản xuất. Nhưng vì nhiều kiến nghị liên quan đến thuế – thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên yêu cầu doanh nghiệp hoàn chỉnh báo cáo để Bộ trình Thủ tướng và Quốc hội xem xét.
Chí Hiếu