Đại diện Ban Kiểm soát VietinBank báo cáo trước các cổ đông. Ảnh: TL. |
Thông tin trên được Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietinbank đưa ra trong phần thảo luận tại Đại hội cổ đông thường niên 2015. Ông Thắng cho biết, gần đây có thông tin trên thị trường rằng ngoài PGBank, VietinBank có thể sáp nhập với OceanBank hoặc GPBank. Trước đó, một giám đốc chi nhánh tại TP HCM của VietinBank vừa được Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm là đại diện pháp lý, chịu trách nhiệm về các vấn đề xử lý OceanBank.
Người đứng đầu VietinBank khẳng định không có kế hoạch sáp nhập mà chỉ tham gia vào OceanBank, GPBank với vai trò hỗ trợ tái cơ cấu. “Thực tế đây là nhiệm vụ chính trị của chúng tôi. Theo chỉ đạo trước mắt, VietinBank hỗ trợ họ về nhân sự để điều hành, đi vào hoạt động ổn định sao cho phục hồi tốt. Còn trong tương lai, có thể sẽ xem xét tiếp tục tìm kiếm để thực hiện M&A nhưng với điều kiện, các đối tác phải mang lại lợi ích nhất cho ngân hàng”, ông Thắng nói.
Cũng tại cuộc họp, đại diện VietinBank đã cung cấp tiến độ xây dựng trụ sở VietinBank Tower. Lý giải về sự chậm trễ, chủ tịch ngân hàng cho biết lý do nằm ở yếu tố kỹ thuật, nhất là khi đây là công trình có kỹ thuật theo ông đánh giá là phức tạp hàng đầu thế giới và nhất Việt Nam. “Đến nay, những khó khăn nhất đã được giải tỏa và đang hoàn tất móng. Dự kiến trong quý I/2017, VietinBank sẽ có trụ sở khang trang với hai tòa tháp cao lần lượt 48 và 68 tầng”, ông Thắng chia sẻ với các cổ đông.
Những lo ngại về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giảm nhanh sau một năm, từ hơn 13% xuống hơn 10%, cũng được các cổ đông đặt ra. Lý giải về chênh lệch này, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc, cho biết một phần do năm 2014, tổng tài sản tăng 15% nhưng vốn chủ sở hữu chỉ tăng 1,7%. Tuy nhiên lãnh đạo này cam kết sẽ duy trì CAR ở 10%, sau này đưa lên 12%. “Với vốn điều lệ cấp 1, VietinBank sẽ được Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ lại lợi nhuận tạo ra hàng năm, lấy nguồn đó tăng vốn tự có thay vì cổ đông phải đóng góp thêm”, ông Thọ nói.
Thanh Thanh Lan