Theo tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc được Bộ Ngoại giao phát đi sau chuyến thăm kéo dài hai ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo cấp cao hai bên nhất trí cho rằng chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ 65 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên cho rằng Việt Nam và Trung Quốc đều đang trong thời kỳ phát triển kinh tế – xã hội quan trọng, coi sự phát triển của nước này là cơ hội phát triển cho nước kia, nhất trí phát huy tốt vai trò điều phối tổng thể của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung.
Việt Nam và Trung Quốc nghiên cứu ký tiếp quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế. |
Theo đó, lãnh đạo hai nước nhất trí sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế. Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tăng cường kết nối chiến lược phát triển, thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “một vành đai, một con đường”; tăng cường hợp tác về năng lực sản xuất trên các lĩnh vực như vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ, máy móc thiết bị, điện lực, năng lượng tái tạo…
Một nhóm công tác sẽ được thành lập nhằm bàn bạc, ký kết phương án tổng thể chung xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, thúc đẩy việc xây dựng và tích cực thu hút đầu tư đối với hai Khu Công nghiệp Long Giang (Tiền Giang) và An Dương (Hải Phòng) ở Việt Nam, đôn đốc và chỉ đạo doanh nghiệp hai nước thực hiện tốt các dự án hợp tác như gang thép và phân đạm do doanh nghiệp Trung Quốc nhận thầu xây dựng tại Việt Nam.
Hai bên sử dụng hiệu quả cơ chế Ủy ban hợp tác kinh tế – thương mại, tích cực nghiên cứu ký tiếp quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế – thương mại Việt – Trung, khẩn trương sửa đổi Hiệp định thương mại biên giới, thực hiện thương mại song phương phát triển cân bằng, vững chắc và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2017.
Giao dịch hàng nông sản quan biên giới cũng được các lãnh quan tâm, thông qua ghi nhớ sẽ tăng cường hợp tác trong khuôn khổ bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản; khuyến khích các doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác thương mại đối với các mặt hàng nông sản, hoan nghênh các cơ quan chức năng và địa phương liên quan của hai nước trao đổi thành lập Cơ quan xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, hai bên phải đi sâu hợp tác hải quan, cùng chống các hành vi buôn lậu qua biên giới, tiếp tục tìm kiếm các biện pháp hợp tác thúc đẩy tiện lợi hóa thông quan, tăng cường xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng, nâng cao mức độ hợp tác mở cửa khu vực cửa khẩu biên giới giữa hai nước.
Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ được tăng cường phát triển nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực liên quan, thực hiện tốt dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; khẩn trương lập quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, thúc đẩy hợp tác kết nối cơ sở hạ tầng như tuyến đường bộ cao tốc Móng Cái – Vân Đồn.
Theo báo cáo từ phía Việt Nam, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt gần 60 tỷ USD năm 2014 và nhà đầu tư lớn thứ 9 trong 105 nền kinh tế, đạt 8,5 tỷ USD tính đến hiện nay. Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc các loại khoáng sản như dầu thô, than đá và một số loại nông sản như rau quả, gạo, sắn…, ngược lại sẽ nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, hàng tiêu dùng…
Huyền Thư