GDP toàn cầu được dự báo tăng 2,7% năm nay, theo nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc Economist Group. Năm ngoái, tốc độ này là 2,4%. Sự cải thiện không đáng kể này do tăng trưởng vẫn còn yếu tại khu vực đồng euro, Nhật Bản và các nền kinh tế mới nổi.
Bức tranh năm nay đặc biệt u ám với các quốc gia dựa vào xuất khẩu hàng hóa, như Venezuela – vốn đang chìm trong suy thoái sâu. Triển vọng của Brazil cũng không khá khẩm hơn, khi giá dầu giảm và scandal của hãng năng lượng Petrobras đang ảnh hưởng đến đầu tư vào dầu mỏ và khí đốt.
Dự báo của EIU về tăng trưởng các nước năm nay. Xem ảnh to |
Các nước đang bị chiến tranh tàn phá cũng nằm trong danh sách tăng trưởng tệ nhất năm nay. GDP Libya được dự báo tiếp tục co lại, nối dài đà giảm từ năm 2013, do xung đột ngoại giao và bất ổn chính trị trong nước.
Dù vậy, bức tranh thế giới năm nay cũng có nhiều điểm sáng. Dù tăng trưởng GDP tại Turkmenistan đang chậm lại, việc mở rộng tuyến đường ống khí đốt Trung Á – Trung Quốc sẽ hỗ trợ xuất khẩu cho nước này. Nhiều quốc gia mới nổi châu Á cũng góp mặt trong top 10, như Lào, Campuchia và Việt Nam. Tăng trưởng khu vực này sẽ được thúc đẩy nhờ tiêu dùng cá nhân tăng và du lịch hồi phục.
GDP Việt Nam được dự báo tăng xấp xỉ 7%, tương đương mục tiêu 2016 được Quốc hội đề ra hồi tháng 11 năm ngoái. Với tốc độ này, Việt Nam đứng thứ 9 trong nhóm nước có tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới.
Tuần trước, Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) – bà Christine Lagarde đã tỏ ra thận trọng với kinh tế thế giới năm nay. Bà cho rằng việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% cùng việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đang gia tăng bất ổn cho toàn cầu. Hồi tháng 10, IMF dự báo kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3,6% trong năm 2016. Tuy nhiên, con số này cũng thấp hơn so với mức ước tính 3,8% mà tổ chức này đưa ra trong tháng 7.
Hà Thu