Việt Nam sẽ có sàn giao dịch hàng hoá liên thông với thế giới

Mới đây, Sở Giao dịch cà phê, hàng hoá Buôn Ma Thuột – BCCE đã chính thức đi vào hoạt động (BCCE được chuyển đổi từ Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột) với những phương thức hoạt động hoàn toàn mới so với các sàn hiện hữu.

Theo đó, giá cả sẽ không do sàn tự đưa ra mà được niêm yết sát với sàn London. Bước tiếp theo là BCCE sẽ kết nối trực tiếp với sàn giao dịch hàng hoá Chicago Mercantile Exchange – CME (sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới đặt tại Mỹ).

Khi đó, các nhà kinh doanh cà phê sẽ kết nối mua, bán trực tiếp qua sàn giao dịch BCCE, và sàn này sẽ được kết nối với hệ thống Globex của CME để chuyển các lệnh đặt dư thừa trên sàn và để tăng thanh khoản. Tuy nhiên, để làm được điều này, điều kiện mà phía CME đưa ra là muốn được mua cổ phần của BCCE để tham gia trực tiếp ngay từ đầu.

cafe-7542-1425866581-4187-1426238276.jpg

Sở Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp người trồng cà phê Việt Nam thoát tình trạng bị ép giá. Ảnh: QH

Điều này cũng tương tự như cách làm của CME tại sàn Bursa Malaysia Berhad khi hai bên đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược thông qua việc góp vốn (CME góp một phần tư vốn) thành lập Bursa Malaysia Derivatives Berhad. Nhờ sự kết nối mang tính toàn cầu này với thị trường phái sinh Malaysia, từ đó đến nay giá dầu cọ của Malaysia luôn đứng vị trí cao nhất trên trường quốc tế.

Theo thông tin từ một lãnh đạo BCCE, công ty dự kiến sẽ bán 25% cổ phần cho CME. Chủ trương này đã được Tỉnh uỷ Đắk Lắk thông qua (tỉnh Đắk Lắk nắm 42% cổ phần), hiện đang chờ sự phê duyệt của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như một số cơ quan chức năng. Một điểm vướng mắc khác trong cách thức này là việc mở tài khoản bằng ngoại tệ sẽ trái với Pháp lệnh ngoại hối và tiến trình chống đôla hoá nền kinh tế, tức trên lãnh thổ Việt Nam chỉ thanh toán bằng đồng tiền Việt.

“Chúng tôi đang xúc tiến làm việc với cơ quan chức năng để tháo gỡ những vướng mắc pháp lý. Đồng thời, tháng 4 tới, Tỉnh uỷ Đắk Lắk, phái đoàn liên bộ của Việt Nam sẽ cùng BCCE sang làm việc cụ thể hơn về vấn đề hợp tác cũng như thanh toán với CME”, ông tiết lộ.

Nếu BCCE kết nối thành công với sàn CME, ngoài mục đích thúc đẩy giao dịch hàng hoá thật, đặc biệt là cà phê, thì đây được xem là cơ hội để tạo kênh đầu tư tài khoản. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam cho biết, cà phê là mặt hàng buôn bán lớn thứ hai thế giới sau dầu thô, nhưng mua bán vật chất chỉ 2% còn lại 98% là mua bán tài khoản trên giấy tờ.

Theo ông Tự, hiện nay sàn hàng hoá Chicago là sàn lớn nhất trên thế giới, Việt Nam lại đang chiếm 19,8% cà phê trên toàn cầu. Ông kỳ vọng sàn BCCE ra đời sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư. “Nếu Việt Nam kết nối được với các sàn trên thế giới thì lượng hàng mua bán không chỉ là 1,6 tỷ USD như hiện nay mà sẽ tăng lên gấp nhiều lần thông qua giao dịch giấy tờ”, ông nhận định.

Thừa nhận con đường phía trước để dẫn đến thành công của sàn giao dịch hàng hoá tại Việt Nam có nhiều thách thức, nên ông Nguyễn Hải Ninh, Phó chủ tịch Tỉnh Đắk Lắk cho biết, về mặt chính quyền địa phương sẽ cố gắng hỗ trợ hết sức. Tuy nhiên, ông cho rằng cần có thêm những chính sách và cơ chế từ Trung ương.

Ngoài ra, để sàn giao dịch phát triển được thì rất cần sự đồng hành từ người dân trồng cà phê, nhà đầu tư và doanh nghiệp. “Điều quan trọng hơn nữa là việc kết nối được với sàn CME thể hiện khát vọng và khẳng định rằng người Việt vẫn có thể tham gia sân chơi toàn cầu”, ông nhấn mạnh.

Hiện nay ngoài BCCE, Việt Nam chính thức có hai sàn giao dịch hàng hoá được cấp phép là sàn VNX, sàn INFO nhưng đều rơi vào tình trạng ảm đảm do không có khách giao dịch.

Chưa kể đến nhiều sàn giao dịch trước đó cũng đã từng thất bại thảm hại dù được đầu tư khá đầy đủ, công phu như Trung tâm Giao dịch Thủy sản Cần Giờ (Cangio ATC), Công ty Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom-STE) đầu tư một hệ thống cơ sở hạ tầng gồm có phần mềm giao dịch, bảng điện tử, hệ thống lưu ký.

Nguyên nhân chủ yếu là do luật chơi trên sàn hàng hóa cũng như các mẫu hợp đồng, quy định giao dịch tại các sàn trong nước đều do bản thân sàn đặt ra. Chẳng hạn như VNX cũng là cơ quan thiết lập hệ thống giao dịch, chạy các phần mềm giao dịch tương tự như các công ty chứng khoán. Việc này, theo cảm giác của nhiều nhà đầu tư, các sàn Việt “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên họ không muốn tham gia. Thêm vào đó, yếu tố quan trọng hàng đầu của  sàn hàng hoá là tính thanh khoản nhưng hầu như các sàn trong nước không đáp ứng được điều này.

Ngoài ra, quy mô sở giao dịch trong nước còn nhỏ, trình độ tổ chức và quản lý lại khá non kém trong bối cảnh cơ sở pháp lý lẫn thể lệ hoạt động đều lỏng lẻo nên nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản trong giao dịch, hay tranh chấp xảy ra là khó tránh khỏi, dẫn đến sự thiếu niềm tin của khách hàng.

Do đó, hầu hết các doanh nghiệp đều thông qua các trung gian môi giới là ngân hàng để được giao dịch trực tiếp qua sàn quốc tế. Với giao dịch loại này, doanh nghiệp chỉ cần ký quỹ một số tiền chiếm tỷ lệ một vài phần trăm so với giá trị hàng hóa giao dịch (ảo) là có thể mua bán ngay mà chẳng cần có hàng hóa lưu kho, tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Hiện mức độ tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều.

Đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong ngành cà phê cho biết, công ty ông thường giao dịch trên thị trường Malaysia. Nếu có sàn giao dịch trong nước liên thông với thế giới, giúp doanh nghiệp bảo hiểm về giá, rủi ro tỷ giá… thì các doanh nghiệp sẽ rất hào hứng tham gia. “Khi đó, chúng tôi cũng thuận tiện hơn trong giao dịch, không phải bị bất đồng ngôn ngữ, về các thủ tục bảo hiểm, giao hàng…”, ông nói.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng đầu tư hàng hoá là một loại hình rất ưu việt đã phát triển mạnh trên thế giới. Hiện nay, Bộ cũng đang rốt ráo hoàn thiện các cơ sở pháp lý để sớm hỗ trợ các sàn giao dịch hàng hoá phát triển mạnh.

Lệ Chi

0913.756.339