Việt Nam đang tận dụng mọi cơ hội để trở thành một nền kinh tế “con hổ” (tăng trưởng nhanh, thường đi kèm chất lượng cuộc sống tăng cao). Hãng thông tấn Nhật – Nikkei cho rằng đây không phải giấc mơ hão huyền, khi Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và dồi dào, các công ty đa quốc gia đang đổ dồn về đây và mối quan hệ với Mỹ cũng dần được cải thiện.
2015 đánh dấu 40 năm kết thúc chiến tranh và 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. Việt Nam bắt đầu thực hiện Đổi Mới năm 1986, nhưng phải đến năm 1995, vốn đầu tư ngoại mới bắt đầu chảy vào đây, khi Chính phủ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Mỹ và gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Vài năm gần đây, vốn đầu tư vào Việt Nam đã tăng tốc. Các công ty Hàn Quốc đặc biệt hào hứng với thị trường này. Samsung Electronics đang điều hành và xây dựng 3 nhà máy tại 3 địa điểm – TP HCM, Thái Nguyên và Bắc Ninh. Tổng cộng, đại gia điện tử này đã rót hơn 10 tỷ USD vào Việt Nam.
McDonald’s đã mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam năm ngoái. |
Việt Nam cũng được dự đoán sắp đón một “làn sóng” đầu tư từ Mỹ. Hãng sản xuất hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) đang xây một nhà máy tại Bình Dương với chi phí 100 triệu USD. Nhà máy này sẽ làm sản phẩm dao cạo râu Gillette.
Từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 2008, Intel cũng đang tăng đổ tiền vào đây. Đại gia sản phẩm bán dẫn đang lên kế hoạch sản xuất tại đây phần lớn chip xử lý tiên tiến cho máy tính cá nhân trong tương lai.
Các tên tuổi lớn khác của Mỹ đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam là Starbucks và McDonald’s. Họ đã mở cửa hàng đầu tiên tại đây vào tháng 12/2013 và tháng 2/2014.
Có nhiều yếu tố khiến vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bùng nổ. Một trong những điều quan trọng nhất là chi phí lao động thấp. Chi phí nhân công tăng vọt tại tại Trung Quốc đang khiến nhiều hãng sản xuất đa quốc gia hướng sự chú ý vào nơi rẻ hơn 50% là Việt Nam. Bên cạnh đó, sức mua của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng, lạm phát được kiềm chế và nhiều biện pháp nới lỏng quy định nhằm thúc đẩy tăng trưởng cũng là lý do vốn đầu tư liên tục đổ vào đây.
Dù vậy, sức hút lớn nhất với hầu hết nhà đầu tư ngoại là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) về tự do thương mại, mà Việt Nam là một trong 12 nước đang tham gia đàm phán. Giữa năm nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Mỹ. Thỏa thuận TPP sẽ là chủ đề chính trong các cuộc nói chuyện giữa ông và giới chức Mỹ. Nếu hai nước có thể đạt thỏa thuận, Mỹ sẽ trở thành đối tác còn quan trọng hơn với kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Trong cuộc họp báo tháng một tại TP HCM, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam – Ted Osius đã tỏ ra lạc quan về tác động của TPP với kinh tế Việt Nam và đầu tư của Mỹ vào đây. Thỏa thuận TPP “sẽ cho phép Mỹ trở thành nhà đầu tư số một và đối tác thương mại số một của Việt Nam”, ông cho biết.
Thắt chặt quan hệ với Mỹ sẽ còn giúp Việt Nam hưởng lợi lớn trong nhiều lĩnh vực khác. Trong khoảng 4,5 triệu người Việt sống tại nước ngoài, khoảng 2 triệu là đang ở Mỹ. Trong đó, nhiều người đã làm nên tên tuổi trong giới kinh doanh. Đó là ông Henry Nguyễn – người đã mang McDonald’s tới Việt Nam, và David Thái – nhà sáng lập chuỗi cà phê Highlands.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, khoảng 180.000 công ty tại Mỹ do người Việt Nam sở hữu, đạt tổng doanh thu 20 tỷ USD. Thắt chặt quan hệ giữa hai nước có thể kích thích dòng tiền lớn hơn chảy xuyên Thái Bình Dương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang ước tính Việt Nam cần chi 500 tỷ USD trong 10 năm tới để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam được cho là chỉ có thể đáp ứng 40% con số trên, qua ngân sách chính phủ, vốn ODA và các nguồn vốn tư nhân.
Sự thiếu hụt này chính là lý do Chính phủ rất muốn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ đầu tư thôi vẫn là không đủ để giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng bền vững. Dòng tiền vào cần đi kèm nới lỏng quy định kiểm soát và chuyển giao công nghệ, nếu muốn các ngành công nghiệp trong nước phát triển và nền kinh tế tăng trưởng mạnh.
Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tạo ra một nền kinh tế công nghiệp cho đến năm 2020. 6 lĩnh vực được ưu tiên là chế biến nông lâm thủy sản, máy móc nông nghiệp, điện tử, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô.
Quá trình chuyển dịch từ tăng trưởng dựa vào FDI sang tăng trưởng dựa vào công nghiệp có thể sẽ không êm đẹp. Tuy nhiên, Việt Nam đã cho thấy nước này hoàn toàn nghiêm túc và vẫn đang đi đúng hướng.
Hà Thu(theo Nikkei)