Việt Nam – miền đất hứa của dịch vụ outsoucing

Lieberman hiện là Chủ tịch KMS Technology – hãng cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin có văn phòng tại Atlanta (Mỹ) và TP HCM. Trên Tech Crunch, ông cho biết các đại gia công nghệ như Samsung, Microsoft, LG và Intel đều đã đầu tư lớn vào sản xuất tại Việt Nam. Rất nhiều hãng khởi nghiệp trong lĩnh vực này cũng đã nhận được số tiền đầu tư đáng kể.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, và được coi là điểm đến lý tưởng cho các công ty cần thuê ngoài (outsourcing). Tuy nhiên, nước này vẫn chưa đủ quy mô giúp các công ty đa quốc gia lớn xây dựng các trung tâm phát triển sản phẩm.

Việt Nam lần đầu nhận được đánh giá “tốt” từ hãng nghiên cứu Gartner năm 2010, khi được chọn vào top 30 quốc gia cho dịch vụ tại nước ngoài. Đánh giá này đang cải thiện khi ngành công nghiệp tại đây dần phát triển, sinh viên mới ra trường tăng, đầu tư nước ngoài và hãng khởi nghiệp cũng nhiều lên. Một báo cáo của Gartner hồi tháng 1 năm nay đã coi Việt Nam là điểm đến top đầu trong nhóm quốc gia mới nổi, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ.

fpt-5615-1428294449.jpg

Việt Nam đang là điểm outsource được ưa chuộng trên thế giới. Ảnh: Nikkei

Từ hoạt động tại Ấn Độ, Lieberman nhận thấy kỹ năng IT hiện đại của lao động Việt Nam đã bằng, và trong một số trường hợp còn vượt quốc gia Nam Á. Khả năng ngoại ngữ của Việt nam cũng xuất sắc. Các trường học đanng chú trọng dạy tiếng Anh và hiểu rõ thành thạo ngôn ngữ này sẽ cho phép tiến xa trong lĩnh vực IT.

Việt Nam cũng đang dần chuyển mình. Sự phát triển của công nghệ và số cơ hội đang làm bùng nổ doanh nghiệp mới tại đây, đặc biệt sau thành công của Nguyễn Hà Đông với trò chơi Flappy Birds.

Văn hóa làm việc tại Việt Nam cũng rất coi trọng sự trung thành. Lieberman đã làm việc tại Việt Nam hơn 20 năm. Ông nhận thấy sự cam kết, tính tập trung và lòng trung thành tại đây ngày càng mạnh. Tỷ lệ nghỉ việc cũng chỉ khoảng 6-8%. Trong khi đó, con số này tại Ấn Độ là 20%.

Dĩ nhiên, duy trì được tỷ lệ thấp như thế này không chỉ do các yếu tố bên ngoài. Doanh nghiệp vẫn cần tạo ra môi trường văn hóa hấp dẫn từ bên trong. Các công ty nên đảm bảo cơ hội phát triển cho nhân viên thông qua tập huấn, có chính sách thăng chức rõ ràng và khuyến khích các hoạt động xã hội như tiệc cuối tuần hay đi chơi tập thể. Hãy cho thấy nhân viên thấy công ty thực sự quan tâm đến họ.

Dù vậy, Việt Nam vẫn còn thiếu hụt nhiều kỹ năng. Chỉ số Nhân tài Toàn cầu (Global Talent Index) năm 2015 cho thấy Việt Nam đã tụt một bậc, từ 52 năm 2011 xuống 53 năm nay. Những hoạt động sản xuất cần quy mô thực sự lớn vẫn chưa xuất hiện tại đây. Có lẽ phải cần 5-10 năm nữa, việc này mới trở thành hiện thực khi nhân lực có đủ, như cho một trung tâm outsourcing 5.000 người chẳng hạn.

Tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam mới phát triển mạnh vài năm gần đây. Vì vậy, sự hỗ trợ từ một số nền tảng như AS/400 của IBM cũng rất khó.

Việc lập doanh nghiệp ở Việt Nam cũng được đánh giá khá phức tạp. Lieberman có đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm trong việc tạo dựng mối quan hệ với các trường đại học và chính quyền địa phương. Việc này giúp họ có lợi thế về tuyển dụng, hiểu rõ chính sách thuế và các quy định về kinh doanh tại đây. Ông cho rằng nếu hiểu được thị trường tuyển dụng trong nước và đủ khả năng chi trả cho các biện pháp sàng lọc nhân tài, đây chính là địa điểm lý tưởng.

Lieberman cho rằng ngành IT tại Việt Nam vẫn còn trong thời kỳ đầu. Tuy nhiên, thế hệ nhân tài mới đang dần tiến vào thị trường và các trường học cũng đang tập trung vào khoa học máy tính. Đầu tư vào đây sẽ cho thành quả khi lĩnh vực công nghệ chín muồi và ngày càng nhiều công ty đổ xô vào Việt Nam. Lieberman kỳ vọng sẽ nhìn thấy nhiều kết quả tuyệt vời trong thập kỷ tới.

Hà Thu(theo Tech Crunch)

0913.756.339