Vì sao Trung Quốc không tham gia TPP

Theo tờ Wall Street Journal, hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được các nước thông qua hôm 5/10 là một chiến thắng cho Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ, trong cuộc chiến với Trung Quốc để định hình tương lai của thương mại toàn cầu. Thỏa thuận đối tác giữa 12 quốc gia thành viên cho thấy cái giá Bắc Kinh đang phải trả khi trì hoãn cải cách, trong khi các nước khác soạn ra quy tắc mới cho hoạt động thương mại bao phủ 40% kinh tế toàn cầu.

Giới chức Nhật Bản xem thỏa thuận này như chìa khóa cho các mục tiêu kinh tế và an ninh, giữa lúc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, nhất là tại Đông Nam Á – nơi từ lâu Nhật vẫn là nhà đầu tư và viện trợ lớn. “Chúng ta sẽ thúc đẩy tăng trưởng của khu vực, sự thịnh vượng cũng như ổn định bằng cách làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế với các nước có chung các giá trị như tự do, dân chủ, các quyền con người cơ bản, và pháp quyền”, Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe tuyên bố.

Từ khi các cuộc đàm phán TPP diễn ra, Bắc Kinh vẫn luôn lặng lẽ quan sát từ bên ngoài, và quyết định không tham gia vì nhiều lý do. Theo Market Watch, một nguyên nhân Trung Quốc không muốn tham gia TPP là vì phát biểu của Tổng thống Obama khi công bố hiệp định này: “Khi hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống ngoài biên giới nước Mỹ, chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc soạn ra luật lệ cho kinh tế toàn cầu”.

Tiến sỹ Joshua P. Meltzer – chuyên gia về kinh tế toàn cầu và phát triển tại Viện Brookings cho biết, ban đầu Trung Quốc nhìn nhận TPP là công cụ nhằm kiềm chế mình. Điều này một phần do Bắc Kinh lo ngại về chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Washington, mà trong đó TPP là bước đi về mặt kinh tế.

vi-sao-trung-quoc-khong-tham-gia-tpp

Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ – Barrack Obama. Ảnh: Telegraph

Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Obama và ông Tập tháng 6/2013 tại California (Mỹ) Trung Quốc bày tỏ quan tâm muốn tìm hiểu về TPP. Nhưng sau đó, những tranh cãi lại xoay sang liệu Trung Quốc có nên gia nhập hay không.

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Bắc Kinh đã gỡ bỏ một loạt rào cản đối với hoạt động thương mại, nhưng vẫn một mực bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa và doanh nghiệp quốc doanh, khiến các công ty nước ngoài chịu thiệt hại.

Trong khi đó, TPP lại hướng tới loại bỏ hình thức bảo hộ này thông qua các quy tắc có tính áp đặt. Dù những cải cách kinh tế mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra cũng hướng tới bình đẳng hóa sân chơi giữa lĩnh vực quốc doanh và tư nhân, Trung Quốc muốn làm việc này với tốc độ do họ quyết định.

Thách thức với Trung Quốc, nếu họ gia nhập TPP là phải thực thi những cải cách mà thỏa thuận này đòi hỏi. Ví dụ, khi gia nhập TPP, họ phải mở cửa thị trường trong các ngành như dịch vụ và đầu tư, chấp thuận các quy tắc mới trong những lĩnh vực nhạy cảm như vai trò của doanh nghiệp Nhà nước và quyền tiếp cận Internet.

Một lý do quan trọng khác khiến Bắc Kinh không mặn mà với TPP đó là họ còn bận rộn với các thỏa thuận thương mại song phương với Australia, Hàn Quốc và các nền kinh tế khác trong khu vực. Những thỏa thuận đó khi kết hợp với Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng sẽ giúp họ tiếp tục có những tiếng nói trọng lượng đối với “các quy tắc kinh tế toàn cầu”, và có ảnh hưởng đáng kể đối với kinh tế thế giới trong những năm tới.

Toan tính của Bắc Kinh là vậy. Song, tờ Wall Street Journal dẫn ý kiến của ông Masahiro Kawai, cựu quan chức bộ Tài chính Nhật, người từng là kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, cho rằng các quốc gia châu Á khác nhiều khả năng muốn gia nhập TPP, hơn là một khối thương mại do Bắc Kinh dẫn dắt, trừ khi Trung Quốc chịu mở cửa nền kinh tế.

Lỡ nhịp TPP, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng lỡ cơ hội gia nhập một nhóm gồm nhiều quốc gia có công nghệ tiên tiến tại thời điểm chính nước này đang nỗ lực để quảng bá những đổi mới công nghệ cao của mình. Kinh tế Trung Quốc cũng cần áp lực cạnh tranh từ nước ngoài để tạo động lực cho chương trình cải cách trong nước đang bế tắc, tương tự như sự bùng nổ năng suất từng có được sau khi gia nhập WTO năm 2001.

Hai năm trước, ông Tập công bố một chương trình cải tổ rộng rãi để giúp thị trường có tiếng nói lớn hơn, trong nỗ lực nhằm chặn đà giảm tốc tăng trưởng và chuyển dịch nền kinh tế theo hướng dựa vào dịch vụ và tiêu dùng, giảm tỷ trọng các ngành công nghiệp.

Tuy vậy, đến nay, quá trình tái cấu trúc vẫn diễn ra không đồng bộ, và bị trì hoãn bởi sự phản đối từ phía doanh nghiệp nhà nước. Do kinh tế giảm tốc nhanh chóng, nợ doanh nghiệp và chính quyền địa phương tăng cao, trong khi ngành công nghiệp và bất động sản lại dư thừa công suất.

Kiến trúc thương mại mới do Trung Quốc thiết lập – bao gồm các thỏa thuận song phương với Australia và Hàn Quốc, cùng một đề xuất khá khiêm tốn về một khu vực thương mại tự do mang tính khu vực – ít có khả năng giúp họ có được kỷ luật thương mại cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm dần, ông Shi Yinhong – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết.

“Một trong những vấn đề lớn họ đối mặt đó là làm sao phá vỡ thế độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước”, Jing Huang – Giáo sư Đại học Quốc gia Singapore nhận định, “TPP có thể giúp sức cho những lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ cải cách, dù tất nhiên họ không nói ra”.

Dù vậy các doanh nghiệp thì cũng chẳng ngồi đợi Bắc Kinh. Zhang Kui – Tổng giám đốc hãng dệt may Bros Holding (Trung Quốc) cho biết, khoản đầu tư 300 triệu USD mà họ rót là Việt Nam (một thành viên TPP) từ năm 2012 sẽ giúp họ có thể xuất hàng từ Việt Nam tới các quốc gia thành viên TPP khác, với thuế xuất ưu đãi. Hơn nữa, giá nhân công Việt Nam cũng chỉ bằng 60% miền đông Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của hai nhà khoa học Peter A. Petri – Viện kinh tế quốc tế Peterson, và Michael G. Plummer – giáo sư kinh tế quốc tế đại học John Hopkins, không gia nhập TPP sẽ khiến Trung Quốc thiệt hại 46 tỷ USD trong 10 năm tới.

Còn nếu tham gia TPP (cùng với Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan – những nước đang bày tỏ sự quan tâm), GDP nước này đến năm 2025 sẽ tăng thêm 800 tỷ USD. Con số này với Mỹ cũng lên gần 330 tỷ USD. Rõ ràng, đây là nền tảng để Mỹ – Trung cân nhắc tìm cách hợp tác kinh tế nhiều hơn nữa.

“Kinh tế Trung Quốc cần một cú sốc. Họ thực sự cần cải cách”, Dali Yang – Giáo sư đại học Chicago nhấn mạnh, “Nhiều người cảm thấy TPP ra đời từ sự thất vọng sau WTO, rằng Trung Quốc đã nuốt lời trong nhiều ngành, ví dụ như viễn thông, khi không để nhà đầu tư nước ngoài nắm cổ phần đa số”.

Nhưng có vẻ Trung Quốc vẫn đang dọn đường cho việc gia nhập TPP trong vài năm tới, bằng cách vận động hành lang châu Âu và các đồng minh khác của Mỹ để chấp nhận nước này có nền kinh tế thị trường, từng bước cải tổ doanh nghiệp Nhà nước và cuối cùng là có được một thỏa thuận về đầu tư với Mỹ, ông Huang nhận định.

“Tôi không nghĩ họ muốn nhanh chóng gia nhập, điều đó là phi thực tế. Nhưng quan điểm của họ là ‘chúng tôi sẽ gia nhập không sớm thì muộn’. Trung Quốc vẫn đang để ngỏ mọi lựa chọn”, ông kết luận.

Hoàng Nguyên

0913.756.339