Từ nhân viên bất mãn thành bà chủ hãng mỹ phẩm

Hơn 20 tuổi, cô cử nhân tốt nghiệp ngành thời trang ở New Zealand được nhận vào làm trợ lý thiết kế cho một thương hiệu lớn tại Melbourne (Australia). Cô phải làm việc 90 giờ mỗi tuần với số lương ít ỏi.

“Khi ấy, tôi đã nghĩ không thể làm việc này thêm nữa. Tôi ghét làm việc trong ngành thời trang”, Ross (28 tuổi) cho biết. Đây là sự thật đau đớn với một người đã bỏ tới 42.000 USD để theo học ngành này.

Dù vậy, rất may là trước đó, để xả stress vì công việc hàng ngày và duy trì sức sáng tạo, cô cũng đã kinh doanh riêng. Từ khi còn đi học tại New Zealand, cô đã thiết kế trang phục. Sau khi chuyển tới Melbourne năm 2009, Ross chuyển sang thiết kế và bán đồ trang sức với thương hiệu Kester Black.

tu-nhan-vien-bat-man-thanh-ba-chu-hang-my-phm

Anna Ross là bà chủ thương hiệu mỹ phẩm Kester Black. Ảnh: The Blush Hunter

Với thu nhập từ việc kinh doanh ngoài, Ross sau đó bắt đầu thử nghiệm làm sơn móng tay để hoàn thiện các mặt hàng. Cô mất cả năm nghiên cứu thành phần của sản phẩm này, rồi thuê cả một chuyên gia hóa học để tạo ra 6 loại màu ban đầu.

Được bán qua website và các cửa hàng ở Melbourne, loại sơn này lập tức được chú ý. Đến năm 2012, cô quyết định ngừng làm trang sức để tập trung hoàn toàn cho sơn móng tay.

“Chỉ trong 3 tháng, doanh thu của chúng tôi đã tăng gấp 3 so với năm ngoái, nhờ sơn móng tay”, cô nói.

4 năm sau, Kester Black trở thành một trong những thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng nhất Australia, thậm chí còn được bán tại Mỹ, Malaysia và Nhật Bản. Ross cho biết sản phẩm của cô nổi bật, do không dùng động vật để thử nghiệm, không có thành phần nào từ động vật, được làm tại Australia và không chứa chất hóa học độc hại như các thương hiệu khác.

tu-nhan-vien-bat-man-thanh-ba-chu-hang-my-phm-1

Các sản phẩm sơn móng tay củaKester Black rất được ưa chuộng. Ảnh: The Blush Hunter

Nick Bez – Giám đốc hãng nghiên cứu thị trường Mobium Group cho biết Ross đặc biệt thông minh khi sử dụng truyền thông xã hội để quảng cáo cho Kester Black. Tài khoản Instagram của hãng tràn ngập ảnh đẹp. Và Ross đã lồng vào đó các câu chuyện để lôi cuốn mọi người vào phong cách sống mà cô tuyên truyền.

Bez cho biết: “Thành thạo mạng xã hội và sử dụng môi trường trực tuyến sẽ giúp bạn tiếp cận lượng khách hàng lớn hơn, dù quy mô công ty nhỏ”. Ross cũng thừa nhận sự nổi tiếng của thương hiện đã khiến nhiều người nghĩ rằng họ là công ty lớn lắm.

Vì chỉ điều hành một công ty nhỏ, cuộc sống của Ross bây giờ ít bận rộn hơn nhiều so với công việc cũ tại ngành thời trang. Văn phòng Kester Black tại Melbourne chỉ mở cửa 4 ngày một tuần, và Ross ngồi thư giãn trên ghế sofa cả sáng. Cô cũng dành thời gian ra ngoài tập yoga nữa.

Tuy nhiên, cô không vì thế mà trở nên lười biếng. “Khi quyết tâm làm gì đó, tôi sẽ đổ hàng nghìn USD công sức và thời gian vào đó luôn. Tôi thích liều lĩnh. Tuy nhiên, tôi cũng phải bỏ rất nhiều năng lượng và nguồn lực để đảm bảo nó thành công”, cô nói.

Ross chỉ có một nhân viên cố định. Còn lại, mọi việc cô đều thuê ngoài, từ tư vấn phục trang, thợ ảnh đến nhà sản xuất. Và những nhân sự này thay đổi tùy từng dự án.

Khi Kester Black ngày càng phát triển mạnh, cả ở Australia và nước ngoài, Ross đã có một quyết định quan trọng. Đó là giảm tốc độ tăng trưởng lại.

“Liệu chúng tôi nên gắn với điều những gì mình biết, hoặc nên tiếp tục mở rộng? Quyết định việc này với một chủ doanh nghiệp nhỏ là rất khó. Đây là điều tôi đã luôn tự hỏi bản thân trong hơn một năm qua rồi. Chẳng ai giúp bạn được việc này đâu”, cô kết luận.

Hà Thu (theo BBC)

0913.756.339