Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã trình lên Bộ Thông tin và Truyền thông đề án quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền. Phương thức tính giá sàn của dịch vụ truyền hình trả tiền được phân chia theo phương thức truyền dẫn, các gói kênh.
Theo đề án, đơn giá dịch vụ vụ được chia ra làm nhiều mức cước. Truyền hình analog đơn giá có 2 mức giá gồm gói kênh cơ bản (40-45 kênh), giá cước 60.000-65.000 đồng một tháng và gói 65 – 72 kênh giá cước 90.000 đồng. Truyền hình cáp HD với 110-120 kênh có giá 180 – 220.000 đồng. Gói kênh truyền hình số mặt đất với 75-85 kênh được đề xuất 65.000-80.000 đồng. Truyền hình số vệ tinh được đề xuất có 3 mức giá sàn: 90.000 đồng, 180.000 đồng và 250.000 đồng. Các gói kênh dịch vụ truyền hình IPTV được đưa ra mức 85.000 – 90.000 đồng/tháng.
Giá nhiều dịch vụ truyền hình trả tiền đang thấp hơn mức giá sàn VNPayTV đề xuất. |
Với mức giá sàn mà VNPayTV đề xuất, một số gói cước cao hơn khá nhiều so với mức cước mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hiện đang áp dụng. Ví dụ, trong các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh, Truyền hình An Viên đang cung cấp gói cơ bản 70 kênh với mức cước 33.000 đồng một tháng, thấp hơn 32.000 đồng so với mức giá sàn. VTC đang có gói dịch vụ thấp nhất là 60.000 đồng, K+ gói thấp nhất là 85.000 đồng, trong khi giá sàn thấp nhất của truyền hình vệ tinh được VNPayTV đề xuất là 90.000 đồng. Hay như gói A dịch vụ truyền hình số mặt đất của Truyền hình An Viên có mức cước chỉ 20.000 đồng/tháng, quá thấp so với mức giá sàn được đề xuất là 60.000 – 65.000 đồng.
Trong lĩnh vực truyền hình cáp HD, hiện nay cả 3 nhà cung cấp ở thị trường Hà Nội là VTVcab, SCTV, HCATV đều cung cấp dịch vụ có mức thấp hơn mức giá sàn mà VNPayTV đề nghị. Ví dụ, SCTV cung cấp gói dịch vụ HD 153 kênh với mức cước cơ bản chỉ 80.000 đồng, VTVcab cung cấp gói dịch vụ HD gần 200 kênh với mức cước cơ bản là 160.000 đồng, HCATV cung cấp gói HD hơn 150 kênh có mức cước 150.000 đồng…
Bên cạnh đó, các nhà đài liên tục khuyến mãi, tặng thêm tháng sử dụng, tặng bia, sữa, nên thực tế khách hàng chỉ phải trả mức thuê bao thấp nhất chỉ từ 40.000 đồng một tháng.
Như vậy, nếu đề án quản lý giá dịch vụ truyền hình trả tiền này đi vào thực tế, sẽ có nhiều gói dịch vụ truyền hình phải tăng giá bán.
Giá cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN, khoảng 4-5 USD một tháng, trong khi các nước khác phí thuê bao truyền hình trả tiền dao động từ 10 USD đến hơn 30 USD. Việc đề xuất nhà nước quản lý giá sàn truyền hình trả tiền đã được VTC và VASC đề xuất lên Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông từ đầu năm 2014, nhằm tránh việc các doanh nghiệp đua nhau bán phá giá nhằm cạnh tranh giành giật thuê bao.
Theo ICT News