Tỷ giá tham chiếu hôm qua là 6,4010 NDT đổi một USD. Như vậy, mức điều chỉnh hôm nay là rất nhỏ sau các bước giảm 1,9%, 1,6% và 1,1% trong 3 ngày trước đó.
Sau thông tin này, giá NDT trên thị trường quốc tế đã tăng 0,4%, lên 6,4437 NDT một USD, tính đến 8h20 (giờ Hà Nội). Trong khi đó, giá NDT tại thị trường trong nước gần như không đổi, tại 6,3970 NDT một USD. Giá này đã giảm 2,9% trong tuần. Chỉ số MSCI Châu Á – Thái Bình Dương tăng 0,2%. Trong khi đó, giá dầu thô WTI giảm nhẹ 0,3%.
Ngày 11/8, khi Trung Quốc bắt đầu hạ giá nội tệ, NDT mất tới 1,9% so với USD, mạnh nhất 2 thập kỷ qua. Đà giảm sau đó dịu lại, dù PBOC vẫn tiếp tục điều chỉnh làm yếu NDT trong 2 ngày sau đó, do cơ quan này can thiệp thông qua các ngân hàng trong nước, đồng thời ra thông báo trấn an về nội tệ. Họ khẳng định tình hình kinh tế trong nước và thế giới không cho thấy NDT sẽ giảm sâu và sẽ tiếp tục can thiệp để kiểm soát các biến động lớn.
“Các biện pháp quản lý khủng hoảng của PBOC gồm can thiệp trên thị trường giao ngay và tổ chức họp báo. Rõ ràng chúng đã giúp NDT không biến động quá lớn. Nếu giá giao ngay bình ổn trong vài ngày tới, có lẽ sự biến động trên thị trường vài ngày qua có thể chấm dứt rồi”, Tommy Xie – nhà kinh tế học tại ngân hàng OCBC nhận xét.
Việc Trung Quốc liên tục hạ giá NDT để phản ánh sát hơn diễn biến trên thị trường đã làm xáo trộn thị trường nhiều ngày qua. Quyết định này đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo tiền tệ các nước đang phát triển, khiến nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản an toàn như trái phiếu Chính phủ và yen Nhật.
Giới chức Trung Quốc đang cố gắng cân bằng giữa nhu cầu bình ổn tài chính với thúc đẩy xuất khẩu và tham vọng đưa NDT vào rổ tiền tệ dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Theo cơ chế điều hành tỷ giá mới, nước này sẽ phải niêm yết giá tham chiếu hàng ngày dựa trên giá đóng cửa hôm trước, nhu cầu và nguồn cung ngoại hối, cũng như biến động của các tiền tệ lớn.
.Hà Thu (theo Bloomberg)