Cụ thể, tỷ giá tham chiếu được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố sáng nay ở mức 6,2298 nhân dân tệ (NDT) đổi một USD, so với mức 6,1162 NDT được áp dụng trước đó. Mức phá giá theo ngày 1,9% được coi là mạnh nhất tại Trung Quốc kể từ tháng 1/1994, theo số liệu của Bloomberg.
Nhà điều hành nước này mô tả động thái này nhằm quản lý tỷ giá tốt hơn trước các diễn biến trên thị trường. Trước đó, Trung Quốc đã giữ giá đồng nội tệ ổn định so với đôla Mỹ suốt từ tháng 3 và kiểm soát chặt chẽ với biên độ 2%. Trong hơn một tuần qua, đồng tiền này giao dịch phổ biến ở mức 6,2096 – 6,2097 NDT đổi một đôla, nhưng đã tụt xuống 6,2980 NDT sau 11h trưa nay tại Thượng Hải.
Đồng NDT chịu sức ép sau khi xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,3% trong tháng 7, khiến PBOC cho rằng cần có một sự điều chỉnh để giữ tỷ giá ở mức hợp lý. Sau động thái này, đồng đôla Australia, won Hàn Quốc, đôla Singapore cũng giảm giá trên thị trường tài chính châu Á. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong tăng 1,4%.
Bên cạnh ý kiến cho rằng Trung Quốc phá giá đồng tiền nhằm cứu xuất khẩu, Zhou Hao – chuyên gia của Commerzbank AG tại Singapore cho biết: “Tôi không nghĩ rằng đây là một phản ứng đối với các dữ liệu thương mại yếu vào cuối tuần qua, mà là do quyền rút vốn đặc biệt tại IMF”.
Vị này nhận định Trung Quốc đang nỗ lực để được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công nhận nhân dân tệ là một trong những đồng tiền nằm có Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), được IMF sử dụng để cho các nước vay. “Họ cần phải có một cơ chế phản ánh sát thị trường hơn”, Hao nói.
Trong một báo cáo mới công bố, IMF cho biết cơ quan này cho biết hoãn lại việc đưa ra ý kiến có đưa NDT vào giỏ tiền tệ hay không cho đến tháng 9/2016. Quá trình đánh giá sẽ dựa trên những tiến bộ của Bắc Kinh trong việc cải cách nền tài chính, tiền tệ. Trong đợt đánh giá hồi năm 2010, NDT bị coi là chưa đáp ứng tiêu chí sử dụng tự do.
Huyền Thư