3 tổ chức tín dụng với số vốn tối thiểu 190 tỷ USD do Trung Quốc sáng lập đang được hình thành. Một trong số chúng được ví như Kế hoạch Marshall – chương trình tái thiết châu Âu mà Mỹ tạo ra sau Đại chiến Thế giới II. Cũng trong năm nay, đồng NDT của Trung Quốc có thể được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa vào danh sách đồng tiền dự trữ chính thức, công nhận việc tiền tệ này ngày càng phổ biến trong thương mại và tài chính thế giới.
Quyền lực của Trung Quốc đang ngày càng mở rộng vài thập kỷ qua, do tăng trưởng kinh tế nhanh giúp họ dễ dàng tiếp cận các nguồn lực thế giới. Hàng xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng chiếm thị phần lớn trên toàn cầu. Và tài chính dồi dào giúp họ có khả năng mua sắm và cho vay lớn. Giờ đây, việc hình thành các tổ chức cho vay quốc tế đang làm đòn bẩy cho ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, khi ngày càng nhiều đồng minh của Mỹ ủng hộ sáng kiến của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ – Barrack Obama và Chủ tichjTrung Quốc – Tập Cận Bình trong một cuộc gặp năm ngoái. Ảnh: AP |
“Đây là sự khởi đầu cho thời kỳ Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu”, Jim O’Neill – nhà kinh tế học tại Goldman Sachs cho biết. Ông cũng chính là người đặt ra khái niệm nhóm nước mới nổi BRIC năm 2001, để chỉ quyền lực kinh tế ngày càng tăng của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Tầm nhìn của Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình là đạt được vị thế siêu cường như Mỹ. Mục tiêu này đã được hậu thuẫn đáng kể trong tháng này, khi Anh, Đức, Pháp và Italy đều nộp đơn xin gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập. Nhà băng này có vốn điều lệ 100 tỷ USD.
Canada cũng đang cân nhắc gia nhập. Nếu việc này xảy ra, Mỹ và Nhật Bản sẽ là hai quốc gia còn lại trong nhóm G7 nằm ngoài AIIB, do vẫn còn lo ngại tiêu chuẩn quản trị của ngân hàng này. Một quan chức giấu tên tại Australia cho biết tuần này, nội các Australia cũng đã thông qua đề xuất gia nhập AIIB. Tuy nhiên, quyết định này chưa được công bố.
“Vị thế kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc đóng vai trò là một lực kéo, buộc cấu trúc kinh tế thế giới hiện tại phải đáp ứng. AIIB đã cho Mỹ thấy phần lớn cộng đồng quốc tế ủng hộ tham vọng của Trung Quốc – dần lấn át quyền lực của Mỹ, ít nhất là trong vấn đề kinh tế”, James Laurenceson – Phó giám đốc Viện nghiên cứu Quan hệ Trung Quốc – Australia cho biết.
Các tổ chức cho vay khác do Trung Quốc sáng lập – gồm một ngân hàng vốn 50 tỷ USD hợp tác với các nước BRIC và một quỹ 40 tỷ USD nhằm hồi sinh Con đường Tơ lụa – cũng đang được thiết lập nhằm thay đổi các tổ chức tài chính hiện tại và phản ánh tốt hơn tình hình kinh tế toàn cầu.
Điểm mấu chốt là suốt 4 năm qua, Mỹ đã không thể thay đổi cấu trúc sở hữu của IMF, nhằm giúp các nước đang phát triển có nhiều quyền lực hơn và đưa Trung Quốc thành thành viên lớn thứ ba IMF, từ thứ 6 hiện nay. Quốc hội Mỹ không chấp thuận việc này, dù Nhà Trắng và các nước khác đã xuôi theo.
Mỹ vẫn còn quyền quyết định lớn tại IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), đặc biệt là quyền chỉ định Chủ tịch WB. Cả hai tổ chức này đều đang trở nên không có tính đại diện và quy mô nhỏ so với nhu cầu họ cần đáp ứng.
“Bi kịch thực sự là, so với hàng tỷ USD chúng tôi chi cho quốc phòng để hỗ trợ quyền lực cho Mỹ, Quốc hội lại đập tan các nỗ lực đó bằng cách từ chối cải tổ IMF. Họ đã không thể ngăn Trung Quốc gia tăng vai trò trong kinh tế toàn cầu”, David Loevinger – cựu điều phối viên cấp cao tại Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề về Trung Quốc cho biết.
Một phần nguyên nhân khiến Trung Quốc thành lập nhiều tổ chức tài chính là làm lợi cho chính kinh tế nước mình. Với gần 4.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối đang cho lợi nhuận thấp, “họ coi đây là cơ hội cải thiện lợi nhuận tốt, so với lãi suất trái phiếu Mỹ hiện tại”, Nicholas Lardy – nhà nghiên cứu cấp tại tại Viện Kinh tế học quốc tế Peterson cho biết.
Còn Andrew Polk – nhà kinh tế học tại Conference Board thì cho rằng mục đích của Trung Quốc là “đốt nóng các thị trường”, để có thể tăng xuất khẩu công nghiệp. Trung Quốc đang có kế hoạch dùng 40 tỷ USD hồi sinh Con đường Tơ lụa giữa châu Á và châu Âu. Ý tưởng này đã được ông Tập Cận Bình nêu ra trong một bài phát biểu tại Kazakhstan năm 2013. Kế hoạch chi tiết có thể được công bố trong Diễn đàn châu Á Bác Ngao diễn ra từ ngày mai tại Trung Quốc.
Trong khi đó, ý tưởng về Ngân hàng Phát triển Mới của nhóm BRICS (gồm cả Nam Phi) được công bố tháng 7 năm ngoái. Ngân hàng này sẽ có trụ sở tại Thượng Hải với số vốn ban đầu 50 tỷ USD. Đây là cột trụ thứ 3 của Trung Quốc trong việc thiết kế cấu trúc kinh tế toàn cầu với nước này làm trung tâm.
Việc Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng cũng được nhận thấy rõ tại các tổ chức hiện nay. IMF cuối năm nay sẽ thực hiện cuộc đánh giá lần 2 trong một thập kỷ với rổ tiền tệ của các nước thành viên, nhằm chọn ra tiền tệ dự trữ của họ. Tuần này, Chủ tịch IMF – bà Christine Lagarde cũng cho biết NDT “rõ ràng đã thuộc về” rổ tiền tệ và quỹ này sẽ làm việc thêm với Trung Quốc về vấn đề này.
Những năm gần đây, người Trung Quốc ngày càng nắm vị trí cao trong WB và IMF. Tại WB, Trung Quốc năm ngoái cũng đóng góp gần gấp đôi cho một quỹ hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Để thu hút các nước tham gia AIIB, Trung Quốc đã đề xuất bỏ quyền phủ quyết tại tổ chức này, theo Wall Street Journal. Vì các nước châu Âu luôn đòi hỏi minh bạch trong đàm phán, Trung Quốc có quyền phủ quyết sẽ đi ngược lại mong muốn của các quốc gia này.
Dù vậy, điều hành các tổ chức này hoạt động thành công sẽ khó khăn hơn nhiều so với sáng lập, George Magnus – cố vấn kinh tế độc lập tại UBS cho biết. Các cuộc điều tra với nhiều dự án của Trung Quốc ở nước ngoài “đã để lại ấn tượng về sự lãng phí, phân bổ kém, quản trị nghèo nàn và tiêu chuẩn cũng như lợi nhuận yếu”, ông cho biết.
Lardy thì nhận xét các lo ngại này sẽ được gỡ bỏ, và Trung Quốc có thể tuân theo cam kết chuẩn mực cao. “Họ cần thành công mà. Họ sẽ không muốn ném 50 tỷ USD dự trữ ngoại hối vào các dự án tham nhũng cao đâu”, ông nói.
Yu Yongding – cựu cố vấn kinh tế tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng: “Người Mỹ cần học cách xử sự khiêm tốn hơn để duy trì vị thế lãnh đạo trong kinh tế toàn cầu. Thế giới giờ đã khác rồi”.
Hà Thu(theo Bloomberg)