Trung – Nhật đua cho vay tại châu Á

Cuối tháng này, Chính phủ Nhật Bản và Philippines sẽ ký hợp đồng cho vay 2 tỷ USD để hoàn thành một dự án đường sắt. Đây sẽ là khoản chi lớn nhất giữa hai quốc gia trong lĩnh vực này. Quan trọng hơn cả, Bloomberg cho rằng nó là tín hiệu cho sự bùng nổ phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Á.

Ở đây, những nước cho vay, như Nhật Bản hay Trung Quốc đều cam kết tung ra hàng trăm tỷ USD để nâng cấp và xây mới đường sá, cảng biển và đường sắt. Việc này sẽ thúc đẩy kinh tế châu Á khi các nước đang tìm kiếm cỗ máy tăng trưởng mới.

Tuy vậy, họ vẫn gặp khó trong việc đảm bảo các dự án được thực thi tại khu vực nổi tiếng tham nhũng và quản lý không minh bạch. Trong một sự kiện tại Indonesia hồi tháng 9, Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) – bà Christine Lagarde từng cảnh báo: “Châu Á cần cải thiện khả năng quản trị, có hệ thống quy định minh bạch và chắc chắn hơn, cũng như không được dung túng tham nhũng”.

trung-nhat-dua-cho-vay-tai-chau-a

Nhu cầu xây dựng tại châu Á đang bùng nổ. Ảnh: SCMP

“Loại đầu tư này có nhiều khó khăn và thách thức lắm. Vấn đề căn bản ở châu Á là thiếu khả năng thực thi hơn là thiếu tiền”, Matthew Goodman – cố vấn cấp cao các nền kinh tế châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế học tại Washington cho biết.

Cơ sở hạ tầng tại châu Á bùng nổ một phần nhờ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập, với vốn ban đầu 100 tỷ USD. Giới chức Bắc Kinh cũng lập quỹ Con đường Tơ lụa 40 tỷ USD để sửa chữa cầu đường dọc tuyến buôn bán cổ đại. Họ cũng tham gia BRICS Bank – ngân hàng 50 tỷ USD do các nước mới nổi thành lập.

Những động thái của Trung Quốc đã khiến Nhật Bản sốt ruột. Tháng trước, Thủ tướng Shinzo Abe đã có chuyến năm 5 nước Trung Á trong 5 ngày. Tháp tùng ông là các lãnh đạo ngành xây dựng và cơ khí, nhằm tìm cơ hội hợp tác tại đây. Năm 2013, ông Abe từng cam kết mở rộng xuất khẩu cơ sở hạ tầng từ 10.000 tỷ yen thời đó lên 30.000 tỷ yen (248 tỷ USD) năm 2020.  

“Ông Abe đang nhắm đến một cuộc chạy đua cơ sở hạ tầng mới. Điều bí mật nhất hiện nay là chính trị sẽ đóng vai trò thế nào trong các thương vụ lớn mà thôi”, Ben Simpfendorfer – nhà sáng lập hãng tư vấn Silk Road Associates cho biết.

Trung Quốc và Nhật Bản đang tăng cho vay trong bối cảnh các tổ chức cho vay truyền thống, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cân nhắc tăng chi hàng năm. Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 5 cũng cam kết cho vay tới 11 tỷ USD cho Indonesia.

“Nhu cầu cơ sở hạ tầng ở châu Á là khổng lồ. Tất cả các ngân hàng đa phương cộng lại cũng chỉ có thể cung cấp phần nhỏ mà thôi”, Shang-Jin Wei – kinh tế trưởng tại ADB nhận xét. Nhu cầu này ước tính vào khoảng 8.000 tỷ USD.

Riêng Indonesia đã cần tới hơn 400 tỷ trong 5 năm tới, phục vụ cho kế hoạch xây mới 15 sân bay, 24 cảng biển, hơn 3.200 km đường sắt, 33 nhà máy thủy điện và nhiều công trình khác. Việt Nam cũng muốn nâng hệ thống đường cao tốc lên gần 2.000km, từ 700 km hiện tại.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng được cho là sẽ chấp thuận 7 dự án trị giá 3,6 tỷ USD tháng này, trong đó có nâng cấp sân bay Manila, xây một tuyến đường nối hai đường cao tốc tại thủ đô và một đường ống dẫn khí.

Nhu cầu tài chính cho các dự án này đồng nghĩa các Chính phủ sẽ ngày càng tìm đến những cường quốc để được hỗ trợ. “Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể ngày càng lớn khi các Chính phủ vận động hành lang cho dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, đây là sự căng thẳng lành mạnh, còn hơn là tranh chấp lãnh thổ, và vẫn để ngỏ cơ hội hợp tác giữa nhà nước và tư nhân”, Simpfendorfer cho biết.

Hà Thu

0913.756.339