Trao quyền điều tra cho cơ quan thuế để chống thất thu, chuyển giá

Trong lần đầu tiên Quốc hội thảo luận dự luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự chiều 2/6, nội dung trao quyền điều tra cho các cơ quan thuế, chứng khoán, kiểm ngư thu hút sự quan tâm của đại biểu. Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) ủng hộ trao thêm quyền điều tra cho ba cơ quan này vì cho rằng tội phạm có xu hướng gia tăng. Theo ông, để đấu tranh với tội phạm mới phát sinh thì yêu cầu chuyên ngành chuyên sâu rất cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ hay mới mẻ như chứng khoán. “Để đấu tranh với nó cần có lực lượng có chuyên môn, ít nhất là am hiểu lĩnh vực mới có thể phát hiện được tội phạm”, ông Phương nói.

Trao đổi với VnExpress bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu tán thành với đề xuất này của cơ quan soạn thảo. “Đây là 3 cơ quan có tính đặc thù cao. Trong bối cảnh vi phạm trong các lĩnh vực kể trên ngày càng gia tăng, với thủ đoạn càng tinh vi, để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm, chống chuyển giá, thất thu thuế thì việc giao cho các cơ quan này một số hoạt động điều tra nhằm phát hiện kịp thời, giảm tải hoạt động các hoạt động của cơ quan chuyên trách là rất cần thiết”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Ngưu, chỉ nên quy định các cơ quan này được điều tra ban đầu, trong một thời hạn nhất định, có quyền khởi tố vụ án rồi phải chuyển cơ quan điều tra chuyên trách. 

“Trong tình hình nợ đọng, trốn thuế, vi phạm về chứng khoán ngày nghiêm trọng. Đây lại là các lĩnh vực có chuyên môn cao nên cần phải có cơ quan điều tra chuyên môn để giúp phát hiện tội phạm ban đầu”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đồng tình.

Trước đây do cơ quan chứng khoán, thuế không có quyền điều tra nên khi thấy nghi vấn phạm tội thì chỉ đề nghị công an vào cuộc. “Mà đã là đề nghị thì công an có thể làm hoặc không làm. Nhưng nếu bây giờ cơ quan chứng  khoán, thuế được quyền điều tra, khởi tố thì khi chuyển sang cơ quan công an nghĩa là đã bắt đầu quá trình tố tụng, có sự phê chuẩn của viện kiểm sát thì buộc công an phải làm”,ông Thuyền phân tích.

Vị này cho rằng, trong tình hình các doanh nghiệp FDI chuyển giá ngày một nhiều, nợ đọng thuế ngày một lớn thì việc giao quyền này cho ngành thuế chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp “sợ” mà tuân thủ tốt hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với ngân sách được tăng thu với khối doanh nghiệp mà đáng ra phải thu được nhều thuế hơn.

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế cùng chung nhận định nếu đề xuất này được thông qua, việc điều tra chuyển giá, trốn thuế tại Việt Nam sẽ hiệu quả hơn và kịp thời ngăn chặn, răn đe những hành vi vi phạm.

 

Theo bà, trong quá khứ, việc cho phép cơ quan thuế được quyền điều tra từng được nêu khi xây dựng Luật Quản lý Thuế có hiệu lực từ năm 2007, song không được thông qua do một số ý kiến cho rằng nếu nhiều cơ quan cùng thực hiện nhiệm vụ này sẽ gây nên tình trạng chồng chéo. Tuy nhiên, sau 8 năm, thực tế cho thấy việc chuyển giá, trốn thuế ngày càng thường xuyên và rủi ro, nghiệp vụ cũng đòi hỏi những cán bộ có hiểu biết chuyên sâu về nghiệp vụ kế toán, xác định thị trường…

 

“Nếu giao cho cơ quan thuế chức năng này thì việc điều tra các hành vi sai phạm sẽ có điều kiện thực hiện tốt hơn. Hiện nay, khi tiến hành điều tra, các cơ quan vẫn phải xin ý kiến tham vấn của cơ quan thuế, vậy thay vì tham gia thì nên để cơ quan thuế chịu trách nhiệm”, bà Cúc nhận định. Vị này cũng dẫn ra ví dụ tại một số nước tiên tiến như Nhật Bản, cơ quan Thuế đã được trao nhiệm vụ này, thậm chí còn có quyền khởi tố khi xác định được sai phạm và mang lại hiệu quả cao.

Linh Hiếu

0913.756.339