Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành cuối năm nay được xem là thách thức lớn với doanh nghiệp Việt. Không ít ý kiến cho rằng hàng hóa trong nước có có thể lép về trước những sản phẩm cùng loại đến từ Thái Lan, Malaysia… Tuy nhiên, cũng có những ví dụ cho thấy doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể thâm nhập vào “lãnh địa” của các ông chủ nước ngoài, thế chân các nhà cung cấp ngoại.
Hơn 4 năm trước, các cửa hàng đồ ăn nhanh Pizza Hut Việt Nam bỗng ra quyết định thay đổi loại tương ớt, tương cà từ một nhãn hiệu của Malaysia sang Cholimex – một sản phẩm được sản xuất hoàn toàn trong nước. Sự thay đổi này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng khách hàng. Song đến nay, thương hiệu Việt vẫn gắn bó với các cửa hàng pizza được nhượng quyền từ Mỹ.
Sản phẩm Việt vẫn có thể chen chân vào chuỗi cung ứng của các đại gia nước ngoài. |
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Kim Hường – Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của một doanh nghiệp khác là Công ty Thực phẩm NosaFood cho hay sản phẩm của đơn vị này cũng có mặt trong chuỗi cung ứng của Lotteria Việt Nam, Big C… thông qua việc phân phối, gia công sản phẩm và bao bì đóng gói… dùng trong các cửa hàng, siêu thị ngoại này.
Bà Hường nhận định, một số cửa hàng thức ăn nhanh đang sử dụng hàng nhập khẩu nhưng giá thành cao hơn nhiều so với sản phẩm trong nước, do đó, những cửa hàng này dần dần sẽ địa phương hóa, chọn những mặt hàng nội địa có giá rẻ hơn nhưng vẫn phù hợp với khẩu vị các món ăn. “Đây chính là cách Việt Nam có thể thắng trên sân nhà”, đại diện NosaFood khẳng định.
Vị này cũng thừa nhận các công ty của Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng rất mạnh trong phân khúc gia vị, song mỗi khách hàng sẽ có nhu cầu riêng, quen sản phẩm nào thì sẽ trung thành với món đó. “Chiến lược là người ta bán, mình cũng bán. Chất lượng sản phẩm đã được xây dựng nhiều năm, công ty chỉ cần cải thiện về mẫu mã, bao bì cho phù hợp với thị hiếu và nhu cầu giới trẻ”, bà Hường chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse đánh giá khi mở cửa thị trường, doanh nghiệp bao giờ cũng có giai đoạn ngỡ ngàng khi hàng hóa các nước tràn vào, những mặt khác, hàng hóa Việt Nam cũng có cơ hội thâm nhập vào nước bạn. “Lợi thế của doanh nghiệp sẽ quyết định cạnh tranh có thành công hay không. Hàng hóa nào giá rẻ, mẫu mã tốt, chất lượng cao thì sẽ xâm nhập được vào thị trường khác”, ông Phú nói.
Lần thứ 25 tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế (Vietnam Expo), ông Nguyễn Khắc Luận – Tổng giám đốc Công ty Quảng cáo và Hội chợ triển lãm (Vinexad) cho biết trong bốn ngày 15-18/4, đã có 312 doanh nghiệp trong nước với 384 gian hàng tham gia, chiếm hơn một nửa diện tích hội chợ. “Số doanh nghiệp tham gia tăng 30% so với năm ngoái, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn trong việc tìm đối tác ở thị trường nước ngoài”, vị này nhận xét.
Ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ thông qua các kỳ Vietnam Expo và chương trình xúc tiến thương mại, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập khá sôi động vào các nước ASEAN, đặc biệt tại các nước gần gũi như Lào, Campuchia, Myanmar. Trong đó, nhiều sản phẩm đã nắm được thị trường nước ngoài, như phân bón, pin đã có mặt ở hầu khắp Campuchia; hay ở Lào là các hàng hóa nông sản, quần áo, giày dép, Myanmar là các sản phẩm kính xây dựng…
“Doanh nghiệp Việt Nam có cơ sở tự tin hàng hóa cạnh tranh được trong ASEAN. Chính sự rụt rè có thể làm chúng ta thua”, ông Sơn khẳng định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác vẫn còn “mù mờ” trước việc làm thế nào để chiến thắng được hàng hóa nước ngoài. “Doanh nghiệp Việt Nam đa phần chỉ quen hoạt động ở thị trường trong nước, phục vụ thị trường nội địa nên năng lực cạnh tranh yếu”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.
Trong hoàn cảnh này, theo bà Kim Hường, để ký được các hợp đồng lớn, trước tiên doanh nghiệp phải chứng minh được dây chuyền và chất lượng sản phẩm đảm bảo, sau đó là giá cả cạnh tranh, dịch vụ đáp ứng được yêu cầu của đối tác. “Các siêu thị cũng mất nhiều năm để tìm nhà cung cấp. Họ đã có một tiêu chuẩn riêng nên chỉ cần đáp ứng các yêu cầu đó”, vị này cho hay.
Đại diện NosaFood nhận xét khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế bởi các giấy tờ, thủ tục được đơn giản hóa. Trước đó, một số doanh nghiệp có thể mất đơn hàng do đối tác nhập khẩu không cung cấp được các chứng chỉ cần thiết.
Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cho hay nếu muốn thành công, đặc biệt với doanh nghiệp sản xuất thì phải nắm được điểm mạnh và cố gắng khai thác. “Tất nhiên cũng có rất nhiều thách thức mà chưa hình dung được, nên cần có những chia sẻ, cách thức để tự liệu cho doanh nghiệp mình”, ông Phú chia sẻ.
Những sản phẩm thiết kế bắt mắt, giá cả phải chăng sẽ có lợi thế cạnh tranh so với hàng nước ngoài. |
Hay theo Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái – Phạm Đình Đoàn, doanh nghiệp đã trải qua nhiều khó khăn, song các lãnh đạo trẻ nên biết “sống chung với lũ” và bỏ hết những điều bức xúc đi, tập trung vào thay đổi để thích nghi với tình hình mới.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng các nước khác họ mạnh vì biết liên kết, do vậy doanh nghiệp Việt Nam cũng gắn bó với nhau thành các chuỗi, ví dụ như doanh nghiệp bao bì hợp tác với chế biến, sản xuất. “Nên chuyển sang tư duy hai bên cùng thắng chứ không nên để tư duy tranh giành thị trường”, ông Doanh khuyến nghị.
Bà Phạm Chi Lan cũng đề xuất các cơ quan quản lý Việt Nam cũng nên có những công cụ bảo vệ doanh nghiệp trong nước. “Nhà mình có điều vô lý là sẵn sàng mở cửa cho nước ngoài chứ không có biện pháp bảo vệ. Các nước khác họ mở cửa nhưng cũng có một loạt hàng rào mở ra, như Thái Lan họ cho phép dịch chuyển lao động nhưng lại yêu cầu phải biết tiếng Thái, đạt được các chứng chỉ”, vị này nói.
“Những ai đang ngủ quên trên chiến thắng thì rất lãng phí vì như thế sẽ không thể thắng được trong ASEAN. Các doanh nghiệp cần thay đổi năng lực bán hàng, năng lực giao tiếp, năng lực sản xuất”, ông Nguyễn Vũ Quang Trung – Phó tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cảnh tỉnh.
Phương Linh