Số liệu vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết tháng 6, tài sản toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 6,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,52% so với đầu năm 2015. Hầu hết các loại hình tổ chức tín dụng đều tăng tài sản, ngoại trừ khối ngân hàng cổ phần. So với đầu năm, tổng tài sản của nhóm này giảm 0,47%. Còn nếu tính riêng trong tháng 6, các ngân hàng cổ phần đã giảm 40.000 tỷ đồng tổng tài sản.
Trong tháng 4, tổng tài sản của toàn hệ thống giảm hơn 70.000 tỷ đồng nhưng đã phục hồi trong tháng 5.
Vốn tự có của các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh (gần 9%) nếu so với số liệu từ đầu năm. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng thương mại Nhà nước là 9,38% còn của các nhà băng cổ phần là 13,1%. Hệ số CAR cao thể hiện nguy cơ rủi ro về vốn thấp hơn nhưng đồng nghĩa cũng cho thấy khả năng cho vay, tạo lợi nhuận của các ngân hàng cổ phần đang khó khăn hơn khối quốc doanh.
Khác với các tháng trước, số liệu lần này của Ngân hàng Nhà nước không nhắc tới tỷ lệ cho vay trên nguồn vốn huy động từ thị trường I (dân cư). Thay vào đó, cơ quan này thống kê tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Theo đó, nhóm công ty tài chính, cho thuê dẫn đầu về độ rủi ro khi tỷ lệ này là 67,31%. Như vậy, trong 10 đồng cho vay dài hạn có tới 6,7 đồng là nguồn vốn ngắn hạn. Tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại Nhà nước và cổ phần lần lượt là 28% và 32%.
Thanh Thanh Lan