Tổ chức tín dụng yếu kém có thể được cho phá sản năm 2016

Thông tin trên được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành trên địa bàn TP HCM sáng 15/1. Đánh giá về tình hình hiện nay, Phó thống đốc cho rằng có thể hài lòng về thanh khoản khi tỷ lệ cho vay so với huy động hiện ở mức 80%, thay vì con số 100% của cùng kỳ và từng khiến các ngân hàng phải “cuống cuồng lo thanh khoản”.

nam-2016-se-cho-pha-san-to-chuc-tin-dung-yeu-kem

Thanh khoản hệ thống ngân hàng là một trong những điểm sáng của ngành thời gian qua.

Theo ông Thanh, sự công khai, minh bạch thời gian qua đã được nâng cao. Mặc dù nhiều cú sốc đã xảy ra (như lãnh đạo ngân hàng bị bắt, nhà băng bị kiểm soát đặc biệt…) nhưng người dân không còn hoang mang và rút tiền ồ ạt. Thị trường vàng và ngoại tệ tại TP HCM đang phát triển tốt khi USD tự do không còn áp đảo được giá trong ngân hàng.

Tuy nhiên, vị này cho rằng các ngân hàng cần có những giải pháp quyết liệt trong năm nay để nâng cao năng lực tài chính, quản trị…, đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi mới. Muốn vậy, một trong các nhân tố quan trọng là phải quan tâm đến vấn đề nhân sự. Ngoài ra, vốn phải lành mạnh bằng việc thực hiện tốt hạn chế sở hữu chéo.

Riêng về tín dụng, Phó thống đốc khuyến nghị các ngân hàng đẩy mạnh cho vay phải đi đôi với chất lượng. Thời gian tới, các nhà băng cũng nên phát triển mảng bán lẻ, kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản và các khoản vay dài hạn nhằm hạn chế rủi ro. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm soát hạn mức tín dụng (tín dụng mục tiêu 2016 tăng 18%).

Ông Thanh cũng cảnh báo các ngân hàng trước giờ sống vì tín dụng sẽ rất khó bền, cần phải xem nó như một đòn bẩy, đồng thời phải chú trọng vào dịch vụ, tích cực xử lý nợ xấu.

“Hiện nay, có một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang rất khó khăn và có gửi ‘lời kêu cứu’ lên Ngân hàng Nhà nước cơ cấu lại nợ hoặc cho vay mới nếu không họ sẽ phá sản. Các ngân hàng nên lưu ý vấn đề này để tránh vướng vào và gặp khó khăn”, ông nói.

Theo ông Thanh, năm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc mua bán, sáp nhập. Ưu tiên việc tự nguyện trước, nếu không thì buộc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp. Đây cũng là năm mà Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cho phá sản một số công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Điều này nhằm tập cho thị trường làm quen với việc phá sản, và đánh động các ngân hàng, chứ Nhà nước không thể bao bọc mãi được. Phần khác cũng là cảnh báo các ông chủ ngân hàng phải nghiêm túc hơn trong hoạt động”, ông Thanh nói.

Tại hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” diễn ra cuối tháng 10 tại Hà Nội, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước – Nguyễn Hữu Nghĩa từng chia sẻ, trong vòng 3 năm, hơn 98% nợ xấu đã được xử lý thông qua việc trích lập dự phòng, thu hồi nợ và qua Công ty Mua bán nợ xấu VAMC.

Tổng nợ xấu toàn ngành vào tháng 9/2012, theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước là 465.000 tỷ đồng. Đến 30/9/2015, tỷ lệ này theo ông Nghĩa chỉ còn 2,93%. Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cam kết với Chính phủ sẽ đưa nợ xấu toàn ngành về dưới 3% trong năm 2015.

Riêng tại TP HCM, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, ông Tô Duy Lâm cho biết, đến 30/11/2015 nợ xấu trên địa bàn chiếm 4,03% trong tổng dư nợ. Như vậy, so với cuối năm 2014, nợ xấu trên địa bàn giảm 15,6%, tương ứng giảm 8.835 tỷ đồng. Nợ xấu hiện nay tập trung vào nhóm chi nhánh ngân hàng cổ phần có hội sở chính ngoài địa bàn (Hội sở Hà nội và các tỉnh thành phố khác, các chi nhánh thuộc các ngân hàng cổ phần được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng…).

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, đây là các khoản nợ xấu rất khó xử lý, liên quan đến vụ án và gắn liền với quá trình tái cơ cấu hoạt động của các ngân hàng này. Do đó, nếu loại bỏ bộ phận nợ xấu này ra thì nợ xấu trên địa bàn chỉ còn chiếm 2,3%

Lệ Chi

0913.756.339